10 năm ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình
Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được tổ chức vào ngày 16/10 với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị.
Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 3/1/2006.
Thực hiện chiến lược này, Bộ KH&CN hướng tới hai mục tiêu chính là ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường… và phát triển chương trình điện hạt nhân nhằm có nhiều đóng góp vào đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã tham gia thực hiện nhiều văn bản pháp lý liên quan đến phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình như Luật Năng lượng nguyên tử, Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia, Quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia. Trên cơ sở những văn bản pháp lý này, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử đã thu được nhiều thành tựu và có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tám tập thể và năm cá nhân đã được tặng bằng khen của Bộ KH&CN
Trong lĩnh vực y tế, vai trò của y học hạt nhân đã được nâng cao rõ rệt. Trong cả nước có trên 30 cơ sở y học hạt nhân đang hoạt động, nhiều đồng vị phóng xạ, dược chất xạ do trong nước sản xuất đã được sử dụng để điều trị bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác hiệu quả và an toàn. Nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân hiện đại đã được ứng dụng thành công ở một số bệnh viện lớn, ngang tầm khu vực và thế giới…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến năm 2013, có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp được tạo bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương… VIệt Nam được IAEA đánh giá là quốc gia thứ tám thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu đột biến tạo giống và được .
Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao như ứng dụng để sản xuất chế phẩm polymer tan trong nước, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao phục vụ cho ngành dầu khí, những kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát mỏ dầu, nghiên cứu sử dụng thêm các chất đánh dấu hóa học, chất đánh dấu tự nhiên bên cạnh các chất đánh giá phóng xạ, phát triển công nghệ đánh dấu pha khí trong mỏ, xây dựng các phương pháp đánh dấu đa pha cho công nghệ khảo sát chẩn đoán các quá trình công nghiệp…
Với nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tám tập thể và năm cá nhân đã được Bộ KH&CN tặng bằng khen.
Trong khuôn khổ hội nghị, các kết quả, sản phẩm ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế, khai thác tài nguyên khoáng sản… giai đoạn vừa qua cũng được trưng bày và giới thiệu.