1/3 các sáng kiến đổi mới của doanh nghiệp gặp rủi ro

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), ông Hannu Kokko, nguyên cố vấn IPP, cho biết 30 – 40% các sáng tạo của doanh nghiệp không thành công khi đưa vào thử nghiệm vì vậy Chính phủ nên có sự chia sẻ những rủi ro này để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Bộ KH&CN cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) sau 3 năm thực hiện.

Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc IPP, ông Kimmo Lähdevirta – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá cao sự giúp đỡ của Phần Lan đối với Việt Nam. Nhìn lại quá trình thực hiện Chương trình, ông cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được như hỗ trợ xây dựng thể chế, bước đầu giúp tăng cường năng lực quản lý KH&CN… thì thời gian tới Chương trình cần tiếp tục lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy đổi mới KH&CN.

Đại diện ban lãnh đạo IPP trình bày tổng quan tình hình triển khai dự án IPP ba năm qua.
Trên danh nghĩa, Chương trình được ký kết từ năm 2009, nhưng thực tế mới chính thức bắt đầu vào giữa năm 2010. Phần lớn các tiểu dự án đều được triển khai chậm do huy động nhân lực muộn, các thủ tục hành chính đòi hỏi nhiều thời gian…

Cho đến nay, có 61 tiểu dự án thuộc 4 cấu phần được phê duyệt, trong đó có 56 tiểu dự án đang thực hiện trên các lĩnh vực: đào tạo (12 dự án); công nghệ thông tin (14 dự án); cơ khí chế tạo máy (10 dự án); công nghệ sạch (8 dự án); công nghệ sinh học (5 dự án); xã hội (3 dự án) và các lĩnh vực khác (9 dự án). Nhìn chung, theo đánh giá sơ bộ có 10 tiểu dự án đang được triển khai tốt (trong đó 4 dự án đã hoàn thành); 10 tiểu dự án đang gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Dù còn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng Chương trình đã có tầm ảnh hưởng tốt, góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo với quá trình phát triển tại Việt Nam. Dự án thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học và đặc biệt là các doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các diễn đàn và trên các kênh thông tin đại chúng về đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như: thiếu chuyên gia có kinh nghiệm trong triển khai cấu phần Hỗ trợ xây dựng thể chế; chậm triển khai cấu phần Tăng cường hiệu quả liên kết giữa nghiên cứu& phát triển – thị trường và Chương trình còn gặp những khó khăn về cơ chế tài chính.

Với tư cách là chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp và các nhà quản lý Việt Nam tại hội thảo, ông Hannu Kokko, nguyên cố vấn IPP đã đưa ra rất nhiều nhận xét và bài học sau 3 năm triển khai IPP. Về phía các doanh nghiệp, ông cho rằng cần phải tích cực tự vận động đổi mới sáng tạo, và dù có nhiều ý tưởng tốt nhưng các doanh nghiệp còn yếu trong việc chống đỡ các rủi ro khi đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp đã ghi nhận có khoảng 30 – 40% các sáng tạo không thành công khi đưa vào thử nghiệm. Vì vậy, Chính phủ nên có sự chia sẻ những rủi ro này với doanh nghiệp để khuyến khích họ đổi mới.

Ông cho rằng các viện nghiên cứu và các trường đại học ở Việt Nam có rất nhiều thông tin, sáng tạo mà doanh nghiệp có thể sử dụng, tham khảo nhưng vẫn rất ít đơn vị nghiên cứu thành công trong việc thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo của mình. Nhà nước cũng phải đóng vai trò khích lệ kết nối giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Với khu vực công, ông khuyến nghị nên đẩy mạnh vai trò thúc đẩy thực hiện đổi mới sáng tạo thay vì kiểm soát thực hiện như hiện nay. Và cần xây dựng hệ thống cán bộ có năng lực tốt, mà trong đó, Bộ KH&CN đóng vai trò quan trọng.

IPP có mục tiêu tăng cường Hệ thống Đối mới-Sáng tạo Quốc gia (NIS) Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt hơn.

IPP có 4 cấu phần: (1) hoàn thiện khung pháp lý về KH&CN và môi trường thể chế; (2) nâng cao khả năng và năng lực quản lý về khoa học & công nghệ và nghiên cứu & phát triển ở cấp trung ương và địa phương; (3) tăng cường hiệu quả liên kết giữa nghiên cứu& phát triển – thị trường, giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; và (4) đẩy mạnh quan hệ đối tác KH&CN giữa Việt Nam và Phần Lan. Cơ quan chủ quản của IPP là Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan, đơn vị chủ trì triển khai là Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ KH&CN.

Giai đoạn 1 của IPP (08/2009 – 8/2013) có ngân sách 6,918 triệu Euro (89% của CP Phần Lan và 11% của CP Việt Nam).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)