60 triệu người có thể thiếu lương thực vì băng tan trên Himalaya
Gần 60 triệu người sống xung quanh dãy Himalaya sẽ phải chịu thiếu lương thực trong những thập kỷ tới do lượng băng tuyết ở đây tan mất và nguồn nước tưới tiêu bị sụt giảm, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 11 tháng 6.
Nhưng các nhà khoa học Hà Lan cũng kết luận trong nghiên cứu mới được đăng trên tờ Science rằng tác động này vẫn thấp hơn ước tính đưa ra vài năm trước của Ủy ban Liên quốc gia của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu. Báo cáo của Liên Hợp quốc năm 2007 từng cảnh báo rằng cuộc sống hàng trăm triệu người sẽ bị tác động bởi băng tan ở dãy Himalaya.
Theo các nhà khoa học, khác biệt giữa hai kết quả nghiên cứu là do nguồn nước của một số lưu vực sông xung quanh vùng Himalaya phụ thuộc nhiều vào nước mưa hơn là nước tan từ băng.
Những vùng phụ thuộc nhiều vào băng tan, như lưu vực sông Indus, Ganges, hay Brahamaputra ở Nam Á, sẽ bị giảm lượng nước tới 19,6% vào năm 2050. Trong khi đó lưu vực sông Hoàng Hà sẽ tăng lượng nước lên tới 9,5% do mùa mưa thay đổi vì biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi cho thấy rằng chỉ một số vùng nhất định bị ảnh hưởng, khẳng định từ giáo sư thủy học Marc Bierkens của Đại học Utrecht, người cùng với Walter Immerzee và Ludovicus van Beek thực hiện nghiên cứu mới này. “Số lượng người bị ảnh hưởng vẫn rất lớn. Tuy nhiên không nhiều như ước tính trước đây”.
Nghiên cứu mới này cũng là nghiên cứu đầu tiên kiểm định tác động của băng tan trên dãy Himalaya tới các châu thổ sông. Nó sẽ làm gia tăng tranh cãi về mức độ nghiêm trọng của tác động từ biến đổi khí hậu tới các châu thổ sông ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Bhutan, và Trung Quốc.
Đa số các nhà khoa học đều đồng tình rằng băng hiện đang tan ngày một nhanh do nhiệt độ tăng và quy trách nhiệm cho hàm lượng các khí nhà kính, trong đó có CO2.
Một số dãy núi phủ băng, vì dụ như dãy Himalaya, có thể không thay đổi quá nhiều trong vài thế kỷ. Nhưng 90% các dãy núi phủ băng khác đang chứng kiến băng tan nhanh, đặc biệt là ở Alaska, dãy Alps, dãy Andes, và nhiều địa điểm khác, theo các nghiên cứu từ Mỹ và châu Âu.
Một số nhà khoa học đã bị chỉ trích nặng nề vì đưa ra kết quả nhầm lẫn trong báo cáo Liên Hợp Quốc năm 2007, trong đó có cả dự đoán sai rằng dãy Himalaya sẽ tan hết băng vào năm 2035, hàng trăm năm sớm hơn so với căn cứ dữ liệu thực tế. Nhầm lẫn khi đưa ra con số 2035 thay vì 2350, đã bị chỉ trích dữ dội bởi những người nghi ngờ về tác động của biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học người Hà Lan được chào đón một cách cẩn trọng từ các chuyên gia về băng núi khác, những người không tham gia vào dự án nghiên cứu. Họ cho rằng sự thiếu chắc chắn và thiếu thông tin về vùng này gây khó khăn cho việc khẳng định điều gì sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới đối với nguồn nước.
Một số nhà khoa học khác, như Zhongqin Li, giám đốc Trạm Nghiên cứu Băng núi Tianshan ở Trung Quốc, cho rằng nghiên cứu mới bỏ sót một số châu thổ sông quan trọng khác ở Trung Á và Tây Bắc Trung Quốc, nơi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu hụt nguồn nước từ băng tan.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác cho rằng nghiên cứu mới có thể được coi là củng cố thêm cho lo ngại rằng các vùng xung quanh Himalaya sẽ bị thiếu lương thực do biến đổi khí hậu, làm nghiêm trọng thêm các mối lo ngại khác về gia tăng dân số, nghèo đói, ô nhiễm, và sụt giảm mưa theo mùa tại một số vùng ở Nam Á.
“Bài nghiên cứu dạy chúng ta rằng có rất nhiều bất ổn về tương lai nguồn nước ở châu Á và một số kịch bản có thể xảy ra khiến chúng ta phải lo ngại”, nhận định từ Casey Brown, phó giáo sư về xây dựng và thiết kế môi trường tại Đại học Massachusetts.
“Vào lúc này, chúng ta được biết rằng vấn đề về nguồn nước là một điều chắc chắn – dân số đông và tăng nhanh cùng sự lệ thuộc lớn và nông nghiệp khiến khu vực này dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu”, ông nói.
“Nghiên cứu mới tạo thêm động cơ để chúng ta tìm cách giải quyết những lo ngại này qua những khoản đầu tư không ngoan để có thể quản lý tốt hơn tài nguyên nước trong khu vực, và đối với tôi như vậy nghĩa là sẽ có thêm các dự báo, nỗ lực, và hiệu quả”.
Birken và các cộng sự cho rằng Chính phủ của các nước trong khu vực nên thích nghi với tình trạng nguồn nước ít hơn so với dự kiến, và chuyển sang những loại hoa màu tiêu thụ nước ít hơn, xây dựng những chính sách thủy lợi hiệu quả hơn, và xây dựng những cơ sở có khả năng trữ nước trong thời gian dài.
“Chúng tôi ước tính rằng an ninh lương thực của 4,5% tổng dân số sẽ bị đe dọa do sụt giảm nguồn nước”, các nhà nghiên cứu công bố. “Đưa ra những lựa chọn thích nghi mang tính phù hợp và tăng cường hiệu quả dùng nước là rất cần thiết”.
(Michael Casey, Time)
(Visited 1 times, 1 visits today)