75% doanh nghiệp bị giảm doanh thu và lợi nhuận do COVID trong năm 2020

Để đối phó với dịch bệnh COVID-19, hai chiến lược được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất trong thời gian vừa qua là cắt giảm chi phí hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự.


Lấy mẫu xét nghiệm công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Ảnh: Trương Thanh Tùng. 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt nhất toàn cầu với số ca mắc bệnh và số người chết do đại dịch gây ra trên tổng dân số vào loại thấp nhất. Mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của dịch bệnh so với tình hình chung của thế giới. Để đánh giá tác động của dịch bệnh đến khu vực doanh nghiệp chúng tôi đã tiến hành khảo sát 672 công ty ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 2020 (công bố “Financial performances, entrepreneurial factors and coping strategy to survive in the COVID-19 pandemic: case of Vietnam” đăng trên tạp chí Research in International Business and Finance, Volume 56, April 2021)*. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp được khảo sát có tới hơn 75% là bị tác động đến doanh thu và lợi nhuận, trong đó khoảng 55% là bị sụt giảm doanh thu hơn 75% và chủ yếu tập trung ở các ngành dịch vụ, du lịch và vận tải hành khách.

Để có cái nhìn rõ hơn về cách mà các doanh nghiệp tồn tại qua dịch bệnh, cuộc khảo sát đã thiết kế một số câu hỏi nhằm đánh giá sự chuẩn bị của các doanh nghiệp đối với các cuộc khủng hoảng và các biện pháp mà họ ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay như thế nào. Có khoảng 54.5% các doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng tương tự như đại dịch COVID-19, trong khi phần còn lại thì không. 

Để đối phó với dịch bệnh COVID-19, hai chiến lược được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất trong thời gian vừa qua là cắt giảm chi phí hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự. Có đến 239 doanh nghiệp là cắt giảm chi phí hoạt động, và 171 doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Ngoài ra còn có các chiến lược khác nhưng đa số đều là để đối phó trong ngắn hạn và tập trung cắt giảm chi phí như cắt giảm tiền thuê văn phòng, vay vốn ngân hàng, bán tài sản công ty, đóng băng mọi hoạt động công ty…Chỉ có một số ít là sử dụng các chiến lược thích ứng dài hạn như chuyển sang hoạt động kinh doanh online, chuyển đổi số nhằm thích nghi với điều kiện bình thường mới hay tìm kiếm các nguồn thu khác. 

Qua cuộc khảo sát cho thấy, thứ nhất đa số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 về cả doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải và bán lẻ. Thứ hai các doanh nghiệp thường đưa ra các chiến lược đối phó với khủng hoảng các doanh nghiệp đưa ra đa số đều tập trung về phía chi phí như cắt giảm quy mô, cắt giảm chi phí hoạt động hoặc sa thải nhân viên. Tuy nhiên các biện pháp này thường mang tính ngắn hạn và khó duy trì được trong thời gian dài. Trong khi đó, những doanh nghiệp chủ động về chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online, chủ động chuyển đổi số lại giúp cho các doanh nghiệp này thích nghi tốt hơn trong điều kiện bình thường mới, và ít bị ảnh hưởng khi các đợt dịch bệnh mới bùng phát. Qua đó cho thấy, việc thay đổi và thích nghi với những biến cố rủi ro xảy ra sẽ giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt hơn qua các đợt khủng hoảng, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng có tính chất nghiêm trọng và kéo dài, hơn là co cụm cắt giảm chi phí để tồn tại.

Một điểm rất đáng quan tâm trong cuộc khảo sát đó chính là có đến 92% các doanh nghiệp đang tin tưởng vào các chính sách kiểm soát dịch bệnh của chính phủ. Tuy nhiên ở đợt bùng phát dịch đầu tiên trong năm 2020, đa số các doanh nghiệp vẫn còn khá lạc quan về dịch bệnh và cho rằng Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch sớm trong năm 2020. Nhưng bước sang năm 2021, với sự dai dẳng của dịch bệnh khi các đợt  bùng phát dịch bệnh ở lần thứ 3 và mới đây nhất là lần thứ 4 sau ngày lễ 30/4 và 1/5 thì sự tự tin của các doanh nghiệp đã giảm đi đáng kể, và đa số đều nhận định dịch bệnh có thể phải đến năm 2022 mới được kiểm soát hoàn toàn khi mà vaccine đã được phân phối cho đa số người dân.
——–
TS. Nguyễn Hữu Huân – TS. Ngô Minh Vũ (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) 

*https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0275531921000015?via%3Dihub 

Tác giả