Bản chất mối liên quan giữa tiểu đường và bệnh thận

Một nghiên cứu mới khẳng định rằng nguyên nhân của bệnh thận ở người bị tiểu đường có thể là do các tế bào thận không hấp thụ được insulin. Những thí nghiệm trên chuột cho thấy việc điều trị tình trạng được gọi là chứng khó hấp thụ insulin có thể giúp bảo vệ thận cho những người bị tiểu đường. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Cell Metabolism số ra tháng 10.

Khoảng một nửa chứng bệnh thận dẫn tới hậu quả là thẩm tách hoặc phải thay thận, thường xảy ra ở những người bị tiểu đường, và đa số là những người bị tiểu đường loại 2. Tiểu đường loại 2 có sự liên quan tới chứng béo phì, lười vận động, và chứng không hấp thụ được insulin, trong đó các tế bào không hấp thụ được đường gluco một cách hiệu quả từ máu sau khi tiêu thụ thức ăn. Tuy rằng nguyên nhân chính xác gây ra chứng không hấp thụ được insulin vẫn không rõ ràng, người ta không nghi ngờ gì về thực tế là nó làm chết đói các tế bào, buộc tuyến tụy phải hoạt động quá tải để sinh ra insulin, và khiến người ta bị đường máu cao.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học điều tra vai trò của chứng không hấp thụ được insulin đối với bệnh thận bằng cách nghiên cứu các tế bào có tên gọi là podocytes, là một phần cấu thành hệ thống lọc máu của thận. Podocytes nhìn giống như những chú bạch tuộc thu nhỏ xếp thành nhiều tầng bên trên các mao quản của thận, các vòi hút với vai trò giữ lại các protein có ích trong máu, trong khi vẫn để cho nước và các chất thải trôi qua và trở thành nước tiểu. “Đây là cỗ máy lọc sinh học”, nhận xét từ nhà thận học Richard Coward của Đại học Bristol tại Anh.

Những nghiên cứu trước đây từng khẳng định rằng podocytes có thể nhạy cảm với insulin, vì vậy Coward và các cộng sự đã tin rằng chứng không hấp thụ được insulin có thể gây tổn hại các tế bào lọc, dẫn tới thận bị thương tổn ở những người bị tiểu đường. Để kiểm chứng giả thuyết này tạo ra những con chuột bị thiếu các protein giúp tiếp nhận insulin. Ở những con chuột này, đa số podocytes không thể giữ được insulin để hấp thụ đường gluco. Trong vòng vài tuần, các vòi của podocyte ở những con vật này bị thương tổn, khiến thất thoát các protein albumin vào nước tiểu. Sự thất thoát này là dấu hiệu đầu tiên của bệnh thận, Coward cho biết.

Podocytes không thể hấp thụ được insulin cũng làm gia tăng việc chết tế bào, và tích tụ các hợp chất như collagen mà hậu quả hiện nay vẫn đang được nghiên cứu bởi các nhà khoa học. 

Coward nói rằng những thương tổn này xảy ra ở cả những con chuột không hề bị đường máu cao, qua đó cho thấy chứng không hấp thụ được insulin có vai trò trực tiếp gây ra bệnh ở thận. 

“Nghiên cứu này giúp thay đổi quan niệm về bệnh thận ở người bị tiểu đường”, nhận định từ Sian Griffin, nhà thận học từ Bệnh viện Đại học Wales ở Cardiff. “Phương pháp điều trị trước đây tập trung vào kiểm soát glycemic, nhưng nghiên cứu mới này gợi ra một phương pháp điều trị mới, với nhận thức rằng bệnh thận ở người bị tiểu đường có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị bằng cách tập trung vào hệ thống podocyte hấp thụ insulin. Và hơn thế nữa, theo nhà thận học Alessia Fornoni từ Đại học Miami của Florida, “trước đây người ta không hiểu một cách rõ ràng như vậy rằng thận cũng cần có khả năng cảm ứng được với insulin. Chẳng hạn như trước đây người ta chỉ mới hiểu rằng các tế bào ở cơ và gan cần sử dụng insulin, nhưng giờ đây thật tuyệt khi chúng ta biết rằng các tế bào thận cũng cần có khả năng sử dụng insulin. 

Khám phá mới cũng cho thấy thận là một cơ quan năng động. “Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng thận chỉ là một tấm rào chắn bất biến”, Fornoni nói. “Nhưng suy nghĩ kỹ hơn thì thấy rằng tất cả mọi protein mà con người hấp thụ đều phải đi tới thận, và tới lúc nào đó sẽ làm tấm rào chắn bị quá tải.”

Coward cho rằng insulin có vai trò chuẩn bị năng lượng giúp các podocytes thích ứng với tình trạng quá tải như vậy. “Sau mỗi bữa ăn, bên trong bạn có sự tăng lượng insulin sinh ra từ tụy, trong khi thận cũng phải gia tăng công suất thẩm thấu.”

(Nathan Seppa, Science News)

Tác giả