Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa
Sau 30 năm lưu giữ, Tiến sĩ Mai Hồng mới đây đã tặng lại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tấm bản đồ Trung Quốc được lập dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904, ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.
Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng nguyên là trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, và hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam.
Tấm bản đồ Trung Quốc ông trao tặng sáng 25/7 có tên gọi “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do NXB Thượng Hải ấn hành năm 1904, kích thước 115X140cm, được in màu, bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Tiến sĩ Hồng cho biết, ông mua lại bản đồ này từ một cụ già tên là Nguyễn Văn Công ở Phú Xuyên, trong thời gian làm quản lý kho sách Hán Nôm (năm 1977-1978).
Biết chữ Hán, nên sau khi có tấm bản đồ, ông Hồng đã dịch nghĩa lại hàng trăm chữ cổ, cắt nghĩa một cách rõ ràng xuất xứ, niên hiệu, thời gian thực hiện bản đồ. Ông cho biết, đây là tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp, điền dã thực hiện. Trong “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở biển Đông. Người Trung Quốc thời đó chỉ nhận đất đai tới cực nam là đảo Hải Nam.
Tiến sĩ Mai Hồng chỉ vào tấm toàn đồ Trung Quốc, dừng lại ở cực nam
là đảo Hải Nam, không hề có Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa
và Trường Sa) trong tấm bản đồ chính thống này
Tiến sỹ Mai Hồng cho rằng, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do người Trung Quốc xây dựng và ấn hành thời gian đầu thế kỷ XX, do vậy bên cạnh giá trị về mặt lịch sử nó còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam trong các nghiên cứu chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoặc các nghiên cứu chung về Biển Đông. Ông hiến tặng tài liệu quý này cũng vì mục đích chung đó.