Báo cáo đầu tiên về ảnh hưởng của Covid-19 lên người lao động Việt Nam

Trước khi Việt Nam nới cách ly xã hội vào cuối tháng tư vừa qua, TS Đặng Hoàng Hải Anh, Ngân hàng thế giới, PGS Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tiến hành một đánh giá sơ bộ đầu tiên về tác động của dịch bệnh lên người lao động ở Việt Nam. Công bố, do Viện Nghiên cứu kinh tế lao động IZA xuất bản, là một trong những nghiên cứu đầu tiên nói về việc làm, tài chính và các kỳ vọng của người lao động trong bối cảnh Covid-19 ở nước có mức thu nhập trung bình thấp.


Người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19 nhận gạo cứu trợ. Ảnh: CafeF.

Việt Nam được thế giới đánh giá là trường hợp thành công điển hình trong chống dịch Covid-19, đưa ra các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội chặt chẽ, nên mặc dù có dân số lên tới 96 triệu người nhưng chỉ ghi nhận 350 ca nhiễm và không có ca nào tử vong. Thử thách tới đây là từ thành công đó Việt Nam tiếp tục đi tới phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch. Phân tích của hai tác giả, dựa vào một khảo sát nhanh được thực hiện trực tuyến, đã đánh giá chính sách dỡ bỏ cách ly xã hội đem lại tác động tích cực – mang lại thu nhập và tiết kiệm tốt hơn cho người lao động Việt Nam. Thang điểm để người lao động đánh giá về tình hình tài chính và việc làm được nhóm tác giả đưa ra gồm có “rất tệ”, “tệ”, “trung bình”, “tốt” và “rất tốt”. Đánh giá về tình trạng tài chính trong ba tháng tới và nỗi lo lắng về công việc trong tương lai theo thang gồm “sẽ còn rất tệ hơn nhiều”, “vẫn tệ”, “không có gì thay đổi”, “tốt hơn” và “tốt hơn nhiều”. Tổng số mẫu tham gia khảo sát là 653 người trong độ tuổi lao động, từ 18 đến 68, đều đang sinh sống và làm việc ở thành phố. 

Kết quả cho thấy dịch bệnh tác động đến người lao động theo ba xu hướng: Có 2/3 người trả lời cho biết thu nhập hoặc các khoản tiết kiệm giảm xuống do tác động của dịch Covid-19, 1/3 người trả lời cho biết thu nhập vẫn tăng lên và chỉ khoảng 10% cho biết vẫn tăng khoản tiết kiệm. Nhưng về cơ bản những người được khảo sát không quá bi quan về tình hình ảnh hưởng kinh tế hậu dịch bệnh, khoảng 42% người được hỏi dự đoán tình hình tài chính của họ không có thay đổi, có khoảng 33% người trả lời tin rằng có thể sẽ được cải thiện trong vòng 3 tháng tới, còn khoảng 25% cho ý kiến không được cải thiện. Nhìn chung, có mối quan hệ tương quan giữa đánh giá lạc quan về tình hình dịch bệnh với trình độ lao động, loại hình lao động của người được hỏi. Trong đó, các cá nhân có hợp đồng lâu dài, cũng như các cá nhân có sức khỏe tốt và trình độ học vấn cao hơn có những đánh giá tích cực hơn về tình trạng tài chính hiện tại và tương lai hay xu hướng công việc so với các nhóm lao động trong khu vực phi chính thức (công việc không ổn định, thường không có hợp đồng lao động, không có bảo trợ xã hội). 

Các tác giả cũng cho biết, những phát hiện ban đầu này cho thấy cần tiếp tục thu thập dữ liệu về ảnh hưởng của dịch bệnh lên lao động phi chính thức để có thể cung cấp đầu vào cho các chính sách bảo trợ xã hội. (BN)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)