Cần bảo vệ tự do học thuật và tự chủ tài chính

Tại Hội thảo về Dự án Luật KH&CN (sửa đổi), các nhà khoa học đã tập trung thảo luận  những bất cập của Luật KH&CN hiện hành và hướng sửa đổi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ quyền tự do học thuật trong công tác nghiên cứu.

Hội thảo diễn ra ngày 16/5, tại Hà Nội, do Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng chủ trì. Tham gia hội thảo có GS. Đặng Vũ Minh, GS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Chu Tuấn Nhạ, GS. Nguyễn Minh Thuyết và nhiều nhà quản lý khoa học của của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, bối cảnh kinh tế – xã hội cũng như hoạt động KH&CN hiện nay đã khác xa so với thời điểm ban hành Luật KH&CN năm 2000, như khi đó chúng ta chưa gia nhập WTO, chưa có ý tưởng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thế giới chưa xảy ra khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế trầm trọng, chúng ta cũng mới chỉ manh nha bước vào nền kinh tế thị trường, đặc biệt thị trường KH&CN gần như là con số 0. Sau hơn 10 năm, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng quốc gia kém phát triển, với mức thu nhập trên đầu người trên 1.000 USD/năm, là thành viên chính thức của WTO, tham gia nhiều hiệp ước, hiệp định về KH&CN với các quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có các hiệp ước, hiệp định về năng lượng hạt nhân. Vì vậy nếu không sửa đổi, chúng ta sẽ gặp rất nhiều vướng mắc trong hoạt động quản lý KH&CN… Vì vậy, Chính phủ thấy cần phải sửa đổi toàn diện Luật KH&CN năm 2000.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận những bất cập của Luật KH&CN hiện hành và hướng sửa đổi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ quyền tự do học thuật trong công tác nghiên cứu, cơ chế tự chủ tài chính cho các quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học và vấn đề cân bằng trong chính sách đối với các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học trong cũng như ngoài công lập. Chế độ đãi ngộ cho các nhà khoa học và quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo này.

Dự kiến, dự luật sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7/2012, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp vào tháng 8 và đưa ra Quốc hội vào tháng 11. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng kỳ vọng dự luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào kỳ họp tháng 5/2013.

Tác giả