Cần bổ sung và cập nhật các tiêu chí

Ngày 5/1 vừa qua đã diễn ra Lễ Công bố chuỗi sự kiện “20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 1996-2016”. Tham dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó phòng Thương Mại và Công nghiệp VCCI Phạm Đình Vũ…Các lãnh đạo đã có buổi trao đổi thẳng thắn và cởi mở với báo chí về thành tích và những hạn chế của giải thưởng, đặc biệt là về tiêu chí và cách thức đánh giá.

Giải thưởng Chất lượng quốc gia (ra đời năm 1996) nhằm “tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới”. Các doanh nghiệp tham dự giải thưởng được đánh giá dựa trên bảy tiêu chí tính trên thang điểm 1000. Ngoài các tiêu chí về kết quả hoạt động, những người xét chọn giải thưởng còn dựa trên những yếu tố về người lãnh đạo và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Theo ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: “Giải thưởng vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các doanh nghiệp tự đo lường năng suất và chất lượng của mình”.

Sau 20 năm, ban xét duyệt giải thưởng đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá dựa trên giải thưởng tương tự của các nước tiên tiến (như Canada, Anh, Pháp…) và phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp, không phân biệt ngành nghề hay lĩnh vực kinh doanh. Giải thưởng Chất lượng quốc gia cũng nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA). Tính tới thời điểm hiện tại, giải thưởng đã trao được 1700 giải thưởng và trong số đó, có 37 doanh nghiệp Việt Nam đạt giải thưởng GPEA. Các doanh nghiệp được giải Vàng (tối đa là 20 giải mỗi năm) phần lớn là các doanh nghiệp lớn uy tín và liêu tục đổi mới công nghệ trong sản xuất như Minh Long I, Rạng Đông, Thiên Long, May 10….

Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, tuy nhiên, giải thưởng còn có các hạn chế như: Công tác quảng bá về giải thưởng kém; Ít doanh nghiệp tham gia do các tiêu chí quá cao và phức tạp; Các bộ, ngành tham gia hạn chế và đội ngũ chuyên gia chưa thể hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức được các công cụ họ đang sử dụng theo các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ trình lên ban xét duyệt giải thưởng.

GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, sau 20 năm, hội đồng đánh giá và xét duyệt giải thưởng mới chỉ bao gồm các chuyên gia kinh tế chứ chưa có doanh nghiệp. Chính vì vậy cần mời các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, lĩnh vực đánh giá lẫn nhau thì việc tôn vinh này mới xác đáng.

Đồng tình với GS. Nguyễn Quang Thái, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói rằng, phương pháp đánh giá tốt nhất về chất lượng của sản phẩm doanh nghiệp là phải nhờ người tiêu dùng và xã hội. Ông đưa ra ví dụ về Consumer Lab (Tạm gọi là phòng thí nghiệm của người tiêu dùng) ở Mỹ, hoạt động độc lập với Nhà nước và do Hiệp hội người tiêu dùng chi trả kinh phí. Theo đó, các sản phẩm trên thị trường sẽ được Consumer Lab mua về và thử nghiệm ngẫu nhiên.

Ông cũng góp ý là các tiêu chí đánh giá phải đơn giản và minh bạch. Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, để bình chọn về sản phẩm lò đốt rác thải tốt nhất trên thị trường hiện nay, Bộ KH&CN và Bộ Kế hoạch đầu tư chỉ đưa ra ba tiêu tiêu chí chính: Thứ nhất là đã được chứng nhận sở hữu trí tuệ của Cục sở hữu Trí tuệ; Thứ hai là đạt chứng nhận về xử lý các khí thải khi đốt như khí dioxin và furan do một Trung tâm hoặc Phòng thí nghiệm trong nước chứng nhận, Thứ ba là giá thành rẻ. Mọi thông tin này đều được công khai trên mạng và theo ông, nó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và không tạo độc quyền trên thị trường.

Đại diện của công ty Cổ phần May 10 cũng phát biểu, không thể tổng hợp, dịch và áp tiêu chí của các giải thưởng trên thế giới vào Việt Nam là xong mà để phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, ban tổ chức phải nghiên cứu về các thành công và thất bại, ưu nhược điểm trong hoạt động của các doanh nghiệp đã được giải trong những năm trước. Từ đó, liên tục sửa đổi và bổ sung các tiêu chí. Ông cũng nói rằng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có thể dựa vào những tiêu chí này để có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp cho tương lai.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Giải thưởng chỉ là một nhân tố nhỏ trong việc góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Ông nói, một trong những nguyên nhân khiến năng suất và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp là chất lượng đào tạo kém dẫn đến tay nghề của người lao động còn lạc hậu. Chính vì vậy, để giải quyết điều này, cần có nhiều chương trình tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp nhưng cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành và thu hút được nguồn lực của xã hội.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)