Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học

Ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx nói chung và lí luận văn học Marxist nói riêng ở Việt Nam trong thế kỉ 20 là rất lớn. Tuy nhiên, có thể nói một điều rằng chúng ta nghiên cứu về lí luận Marxist chưa hoàn toàn thấu đáo, chưa nói đến nhiều trường hợp hầu như chúng ta chưa được đọc những công trình của họ mà chỉ nhìn họ với những thiên kiến, những “tin đồn”, chẳng hạn trường hợp Garaudy (Pháp) và đặc biệt là trường hợp nhà lí luận văn học xuất sắc người Nga Lev Trotsky (1879-1940).

Do vậy, đối với giới lí luận văn học Việt Nam trong yêu cầu của việc đánh giá, tổng kết lại thành tựu và hạn chế của lí luận văn học Marxist, từ đó có những kế thừa và phát huy, công trình Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học của Terry Eagleton có ý nghĩa rất lớn với tư cách là một cái nhìn khách quan, bao quát của một nhà lí luận Marxist phương Tây về lí luận văn học theo khuynh hướng Marxist thông qua khảo sát những công trình cụ thể, những khuynh hướng nhỏ tiêu biểu trong cả trào lưu phê bình Marxist này từ các góc độ: văn học và lịch sử, hình thức và nội dung, nhà văn và sự cam kết, sự dấn thân… Những hướng tiếp cận này chứa đựng cảm hứng phổ biến trong giới nghiên cứu những năm 60, 70 của thế kỉ 20 ở đó các học giả thường hướng tới những vấn đề của “Đại lí thuyết” (Grand Theory)1. Công trình cũng có một chương cuối bàn về vấn đề tác giả, tác phẩm với tư cách là nhà sản xuất và sản phẩm được đem ra tiêu thụ trên thị trường, giúp người đọc có được những

Terry Eagleton (1943-) là giáo sư chuyên ngành lí luận văn học tại Anh. Ông đạt được học vị tiến sĩ tại trường Trinity College, Cambridge, sau đó làm giáo sư giảng dạy tại nhiều trường đại học khác nhau, trong đó có trường Đại học danh giá Oxford. Hiện ông đang giảng dạy tại trường Đại học Manchester (University of Manchester).
cái nhìn cơ bản về xã hội học văn học. Toàn bộ cuốn sách, cùng với nhiều công trình khác liên quan của T. Eagleton, thể hiện một cách nhìn về văn học theo phương pháp tiếp cận của văn hoá học (cultural studies), ở đó, phản đối quan điểm mĩ học truyền thống cho rằng văn học chủ yếu đem lại cái đẹp và khoái cảm, hoặc văn học trực tiếp phản ánh hiện thực xã hội, T. Eagleton khẳng định rằng văn học tham gia một cách tích cực trong việc tạo nên hệ tư tưởng chứ không chỉ đơn thuần phản ánh nó. Nghiên cứu văn học từ góc độ văn hoá học, theo đó khảo sát văn học trong mối quan hệ với hệ tư tưởng, với lịch sử, với các giá trị của tính dân tộc, của đạo đức, với hệ thống quyền lực và các thiết chế xã hội, nhìn nhận văn học đã chi phối và bị chi phối như thế nào bởi các thành tố xã hội đó,… cũng là một hướng tiếp cận đang nhận được sự được quan tâm rất lớn ở các nước Âu Mỹ hiện nay.
Trong yêu cầu xây dựng một nền lí luận văn học hiện đại ở Việt Nam, nhanh chóng bắt kịp được với mặt bằng chung của lí luận văn học thế giới, bên cạnh việc cập nhật những lí thuyết, trào lưu, khuynh hướng mới, thì việc tổng kết lại những thành tựu và hạn chế của một khuynh hướng phê bình cũ có ảnh hưởng to lớn suốt thế kỉ ở nước ta cũng là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Từ góc độ đó, chúng tôi tin rằng công trình Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học của Terry Eagleton là một công trình có ý nghĩa và sẽ thu hút được sự chú ý của giới nghiên cứu và bạn đọc nói chung.
Sách sẽ được phát hành vào tháng 5/2009
——————–
1 Thuật ngữ “Đại lí thuyết” (Grand Theory) được đặt ra bởi nhà xã hội học người Mỹ C. Wright Mills (1916-1962).

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)