Chưa định rõ chuẩn đạo đức và công nghệ giáo dục phù hợp?

Theo tin của tờ Tiền Phong, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010 - 2011 tổ chức ngày 29/7/2010 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã băn khoăn về tình hình giáo dục đạo đức cho học sinh trong các trường phổ thông hiện nay và cho rằng: “Một trong những nguyên nhân khiến giáo dục đạo đức trong nhà trường thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do ngành giáo dục chưa định rõ chuẩn giá trị đạo đức và kèm theo đó là công nghệ giáo dục phù hợp”.




Ông cho rằng chỉ khi làm rõ các chuẩn giá trị, thể hiện các giá trị đó qua các bài học, môn học và hành động như thế nào thì mới đạt hiệu quả giáo dục mong muốn. Theo ông, có bốn chuẩn giá trị mà ngành giáo dục cần hướng tới trong giáo dục môn đạo đức: tình yêu quê hương đất nước và trân trọng truyền thống văn hoá dân tộc, quý trọng gia đình, giáo dục kỹ năng sống và khích lệ ý chí hội nhập quốc tế.




Các con số thống kê chưa đầy đủ gần đây cho thấy những hành vi lệch chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đáng nói là, sự lệch chuẩn không chỉ liên quan tới các vi phạm các quy định trong nhà trường mà còn là vi phạm các chuẩn mực luật pháp. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2005 đến năm 2008, tổng số vi phạm pháp luật hình sự trong học sinh, sinh viên khoảng hơn 8.000 trường hợp, trong đó các hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng hơn 2.000 trường hợp; 815 trường hợp tội phạm ma túy; 83 vụ giết người; 1.372 vụ cướp tài sản; 1.117 vụ xâm hại sức khỏe, tính mạng. Nhiều hành vi ngày càng phổ biến trong học sinh như bạo lực trong nhà trường, hành hung thầy, cô giáo, vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, không dám đấu tranh với cái sai…

Một thống kê khác của Viện KSNDTC về các vụ việc liên quan tới trẻ vị thành niên cho thấy: nếu năm 1986, mới có 3.607 trường hợp người vị thành niên phạm tội thì tới 1996, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức 11.726 trường hợp. Tới năm 2005, số người vị thành niên phạm tội trên toàn quốc là 28.476. Số thanh niên đang nghiện hút ma túy gia tăng ngày càng nhiều trong môi trường học đường. Nếu năm 2004 có 600 HSSV nghiện ma túy thì năm 2007 là 1.234 HSSV.

“Đi kèm với mỗi giá trị mà chúng ta định ra là công nghệ giáo dục, biện pháp, môi trường phù hợp. Cần phải khoa học hoá việc giáo dục đạo đức. Không phải cứ dạy môn đạo đức chung chung là học sinh rời ghế nhà trường phổ thông đáp ứng được tiêu chuẩn này tiêu chuẩn nọ”, Phó Thủ tướng nói.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)