Chưa thống nhất mức ô nhiễm từ biến cố bùn đỏ tại Hungary

Một tuần sau thảm họa 1 triệu m3 bùn đỏ thoát ra từ nhà máy sản xuất alumia của Hungary, một nghiên cứu từ tổ chức Hòa bình Xanh cho thấy có tới 50 tấn asen có thể đã thoát ra do hậu quả của thảm họa này. 

Bùn đỏ, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất alumina (ôxit nhôm), đã gây ra cái chết của ít nhất 7 người và làm nhiễm độc vài nghìn hecta đất phía Bắc hồ Balaton của Hungary hôm 4/10. Làng Kolontár và hai làng khác có thể phải sơ tán toàn diện, và các nhà khoa học dự đoán rằng sẽ mất nhiều năm sau để môi trường có thể hồi phục nguyên trạng. 

Nghiên cứu của tổ chức Hòa bình Xanh được tiến hành bởi Cục Môi trường của Áo tại Vienna, đã thẩm định thành phần kim loại trong các mẫu bùn thu lượm được hôm 5/10 bởi những người tình nguyện viên. 

Bên cạnh thực tế là mật độ asen (110 milligram/kg khô) cao gấp 2 lần so với bùn đỏ thông thường, mật độ thủy ngân và crom cũng tương đối cao, nhận định từ nhà hóa học Herwig Schuster, trưởng nhóm tình nguyện viên Hòa bình Xanh tại Trung và Đông Âu. “Do asen là chất hòa tan, chúng ta đang đối diện với vấn đề ô nhiễm nước ngầm nghiêm trọng”, ông nói thêm.  

Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành
Nghiên cứu mới gặp phải sự hoài nghi từ các nhà hóa học Hungary, một phần vì trong bauxite, loại quặng dùng để chiết xuất nhôm ôxit, vốn không có thủy ngân và cũng không có nhiều asen. Tuy nhiên, tổ chức Hòa bình Xanh khẳng định rằng kết quả nghiên cứu của họ đã được xác nhận bởi một phòng thí nghiệm độc lập của Hungary. Trong khi đó số liệu của Chính phủ Hungary – dựa trên các mẫu thu lượm từ các nhà khoa học tại 2 địa điểm trong vùng bị ô nhiễm – vẫn chưa được công bố.

 “Khó để nói chúng ta cần làm gì khi chưa biết chính xác lượng chất độc bị thoát ra”, nhận định từ Gergely Simon, một nhà hóa học môi trường của tổ chức vận động cho Luật Không khí sạch tại Hungary. Ông này đã yêu cầu các cơ quan của Hungary công bố mọi thông tin số liệu thu thập được tới nay về thành phần hóa học của lượng bùn thoát ra.  

János Szépvölgyi, giám đốc Viện Hóa học Vật liệu và Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, đang thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ trong việc phân tích các mẫu đất và nước trong khu vực. 

“Môi trường sống bị hoàn toàn hủy hoại,” ông nói. “Bùn độc dày từ 2 tới 5 cm phủ trên đất. Lượng bùn này cần phải được gom lại và chuyển đi – sẽ cần rất nhiều thời gian”. 

Căn cứ trên các phân tích sơ bộ, Szépvölgyi nhận định, “Chúng tôi thấy rằng trong bùn có khoảng 2% titan và 0.5% vanadi ôxit. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là lượng kim loại nặng hòa tan có thể hòa vào nước mặt đất và sẽ hấp thụ bởi cây cối.” 

Tuy nhiên, theo các phân tích sơ bộ, ông cho biết thêm, thì lượng asen và crom hòa tan là ở mức kiểm soát được. Vùng nước mặt đất bị ô nhiễm nhất là ở con suối nhỏ có tên Torma và ở sông Marcal. Sông Rába, một nhánh của sông Danube, ít bị ô nhiễm hơn, và ô nhiễm tại sông Danube hầu như không đáng kể, Szépvölgyi khẳng định.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng đây mới là những phân tích có tính sơ bộ, và tình trạng nước của tất cả sông, suối trong vùng phải được kiểm định thường xuyên.

Phân tích trên, bao gồm kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm từ các mẫu bùn lấy hôm 8/10, sẽ được công bố sớm trong tuần này, Szépvölgyi khẳng định. 

Ô nhiễm nước
Schuster cho biết rằng số liệu của tổ chức Hòa bình Xanh cho thấy nguồn nước uống của ít nhất 100 nghìn người có thể bị nhiễm độc, bao gồm cả cư dân thành phố Györ nằm ở hạ lưu các con sông bị ô nhiễm. Tình trạng nhiễm độc sẽ còn lan nhanh và xa tới đâu là tùy thuộc ở khả năng thẩm thấu của đất địa phương, điều mà các nhà khoa học vẫn chưa đánh giá được. 

Kết quả nghiên cứu của Hòa bình Xanh gây ngạc nhiên, nhận xét từ Tamás Weiszburg, nhà địa khoáng học của Đại học Eötvös Loránd ở Budapest, người không tham gia vào nghiên cứu nào.
 
Những lượng nhỏ asen có thể đã tích tụ trong bùn đỏ qua thời gian, “nếu như mẫu bùn  [của Hòa bình Xanh] có tính đại diện cao thì chắc chắn là đã có chất thải công nghiệp hòa vào trong bùn”, Weiszburg nhận định.

Hòa bình Xanh cũng nghi ngờ rằng trong lượng bùn thoát ra, ngoài bùn đỏ thải ra từ sản xuất nhôm ôxit còn có cả những chất thải độc hại khác.  

“Các tiêu chuẩn về môi trường cho các nhà máy cũ của Hungary lạc hậu nhiều so với luật lệ của Châu Âu dành cho các nhà máy mới”, Schuster nói. “Chúng ta thậm chí không biết con đập được xây từ khi nào và được cải tạo thường xuyên đến đâu”. 

Trong khi đó, chính phủ Hungary cảnh báo mối nguy cơ thực sự về một biến cố bùn đỏ tương tự có thể lặp lại ở chính địa điểm này. Một con đập khác ở đây hiện có vẻ đang rất yếu, và nếu nó vỡ ra thì vài trăm nghìn tấn bùn đỏ sẽ tràn ra ngập các vùng đất và nước ở xung quanh. 

Chính phủ khẳng định rằng sẽ cho chuyên gia từ Viện Địa chất Hungary tại Budapest đánh giá lại mức độ an toàn của ba điểm lưu trữ có tổng lượng bùn đỏ lên tới 50 triệu tấn. Trong đó 30 triệu tấn đang ở Ajka, 12 triệu tấn đang ở Almásfüzítő và 8 triệu tấn ở Mosonmagyaróvár. Các điểm Almásfüzítő và Mosonmagyaróvár nằm ở vùng đất kề bên sông Danube.

(Quirin Schiermeier & Yana Balling, Nature News) 

Tác giả