Chương trình hỗ trợ cha mẹ phát huy tiềm năng của trẻ trong giai đoạn đầu đời

Theo nhiều nghiên cứu, 1000 ngày đầu đời - từ lúc thụ thai cho đến khi trẻ hai tuổi - đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự phát triển lâu dài của trẻ. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, ước tính hằng năm có hơn 250 triệu trẻ nhỏ không được phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em tại bệnh viện. Nguồn: suckhoedoisong.vn

Năm 2018, các nhà khoa học tại Đại học Monash (Úc) cùng Hội đồng nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Úc (NHMRC) đã lựa chọn 1.253 phụ nữ mang thai dưới 20 tuần tại 84 xã của tỉnh Hà Nam để tham gia chương trình Câu lạc bộ Học tập đầu tiên trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu đã phân chia ngẫu nhiên một nửa số xã chỉ được tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường và nửa còn lại được tham gia Câu lạc bộ Học tập. Phụ nữ sống trong các xã tham gia Câu lạc bộ Học tập được học cách giảm thiểu tám rủi ro chính đối với sự phát triển của trẻ: hội chứng thai chậm phát triển, suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu iot, chăm sóc thiếu chú ý đến phản hồi của trẻ, không đủ kích thích nhận thức, các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người mẹ và bạo lực gia đình.

Các thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhân viên y tế xã hội và giáo viên mầm non sẽ điều phối các buổi học của Câu lạc bộ. Họ tổ chức các buổi nói chuyện ngắn, sử dụng video, hoạt động thực hành, đóng vai và thảo luận về các vấn đề phổ biến về nuôi dạy trẻ. Người cha cũng sẽ được tập huấn cách chăm sóc vợ con, làm việc nhà và tránh các hành vi bạo lực.

Chương trình diễn ra từ giữa thai kỳ đến 12 tháng sau khi sinh. Các nhà khoa học sẽ tiến hành kiểm tra sự phát triển về nhận thức, xã hội, vận động và ngôn ngữ của trẻ em ở cả hai nhóm sau khi trẻ được 2 tuổi.

Dự án do Giáo sư Jane Fisher, khoa Y tế Công cộng và Y tế Dự phòng, Đại học Monash, dẫn dắt. Bà đã hợp tác với BS. TS Trần Tuấn (bác sĩ dịch tễ học tại Đại học Y Hà Nội), ThS. Trần Thị Thu Hà (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng) và các đồng nghiệp khác tại Việt Nam, Úc, Zimbabwe, Vương quốc Anh, Bỉ và UNICEF. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí The Lancet Child and Adolescent Health “Structured, multicomponent, community-based programme for women’s health and infant health and development in rural Vietnam: a parallel-group cluster randomised controlled trial”.

Theo giáo sư Fisher, tám rủi ro chính đối với sự phát triển của trẻ nhỏ “ngày càng phổ biến trên toàn cầu, nhưng phụ nữ mang thai ở các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn bị suy dinh dưỡng, nghèo đói, bạo lực giới, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần và không được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe xã hội, với tỷ lệ cao hơn so với phụ nữ ở các nước có thu nhập cao”. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về lâu dài. Các biện pháp can thiệp trước đây đã giải quyết được một hoặc hai rủi ro, nhưng cho đến nay chưa có biện pháp nào giải quyết được cả tám rủi ro. Kết quả cho thấy chương trình mang lại những lợi ích rõ ràng đối với sự phát triển của trẻ, mặc dù không có sự khác biệt về chiều cao và cân nặng giữa trẻ trong hai nhóm xã trong nghiên cứu.

Đáng chú ý, nhiều bậc cha mẹ tham gia Câu lạc bộ Học tập đã biết cách sử dụng đồ chơi tự chế phù hợp với lứa tuổi để kích thích nhận thức và sự khám phá của trẻ. Họ phản ứng nhanh hơn với các tín hiệu của con cái và có thể tương tác với con theo những cách thú vị.

Những khác biệt này giữa hai nhóm thử nghiệm thể hiện rõ ràng hơn khi trẻ được một tuổi. Và ngay cả khi chương trình đã kết thúc, sự khác biệt trong việc chăm sóc trẻ và không khí thoải mái trong gia đình vẫn được duy trì và tăng lên khi trẻ lên hai.

Không chỉ Việt Nam, chương trình hứa hẹn có thể được triển khai ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác để cải thiện sự phát triển của trẻ nhỏ và giúp chúng có cuộc sống tốt hơn. Chương trình thậm chí cũng có thể hỗ trợ các gia đình khó khăn ở các quốc gia có thu nhập cao như Úc. 

Tác giả