“Chuyện nghề địa chất”: Tái hiện một phần lịch sử ngành địa chất

Thông qua trưng bày và giới thiệu kỷ vật cùng những mảnh ký ức của 22 nhà nghiên cứu, một phần “chuyện nghề địa chất” đã được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tái hiện một cách sống động.

 



Các nhà khoa học và khách tham quan Trưng bày. 



Khai trương vào ngày 14/9 tại tại trụ sở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhân kỷ niệm 11 năm thành lập Trung tâm, chuyên đề “Chuyện nghề địa chất” là nỗ lực gom góp, sưu tầm trong gần 10 năm những thông tin, kỷ vật của các nhà nghiên cứu ngành địa chất – một lĩnh vực có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước nhưng lại chưa được nhiều người biết đến. Thông qua công việc của mình, họ đã góp phần xác định được những thông tin quan trọng như thành phần, trữ lượng các khoáng vật hiếm, đặc điểm các địa tầng, mặt cắt địa tầng để tạo ra các bản đồ địa chất với những chỉ dẫn về địa hình, chỉ dẫn về khai thác tài nguyên… cũng như cung cấp những căn cứ hữu ích trong quá trình khảo sát, xây dựng các công trình cầu đường, đập thủy điện… 22 nhà nghiên cứu được chọn đều là những khuôn mặt tiêu biểu qua các thời kỳ như GS. TS Nguyễn Văn Chiển – người đặt nền móng cho ngành địa chất Việt Nam đến những nhà nghiên cứu thế hệ sau GS.TSKH Phan Trường Thị, GS.TSKH Tống Duy Thanh, PGS.TS Hồ Văn Chín…

Chia sẻ tại buổi khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cho biết những suy nghĩ và cảm xúc của ông vể ngành địa chất và công việc thầm lặng của những nhà nghiên cứu: “Không phải đến khi chuẩn bị cho cuộc trưng bày, tôi mới quan tâm đến nghề địa chất. Trước đây, tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều nhà khoa học địa chất, từng đọc tất cả các báo cáo điền dã của các nghiên cứu viên Trung tâm khi làm việc với nhà địa chất, từng đọc về ý tưởng xây dựng chuyên đề trưng bày, từng xem và duyệt toàn bộ nội dung ảnh và hiện vật, thế nhưng không ngờ đến khi trưng bày hoàn thành, tôi lại xúc động đến thế!”.

Dựa trên phương pháp nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các nhà địa chất, cuộc trưng bày đã trình bày một cách chọn lọc với các hiện vật như công cụ, nhật ký, ảnh tư liệu, mẫu đá, bản đồ…, những bằng chứng sinh động về những chuyến khảo sát thực địa và những công trình nghiên cứu. Để thu hút sự theo dõi của người xem và tạo cho họ việc dễ nhận biết những đặc trưng riêng có của ngành địa chất, Trung tâm đã chọn và xếp các hiện vật đó vào các chủ đề như “Nhếch nhác”, “Phút dừng chân”… “Tưởng chừng tiêu đề rất tếu táo nhưng những hình ảnh của nhà khoa học trong mùa thực địa khiến tôi không cầm được nước mắt. Thế mới biết, nội dung phong phú đa dạng thì rất cần, nhưng nếu thiếu mất một thủ pháp trưng bày chuyên nghiệp thì thật khó để tạo ra hiệu ứng nơi người xem. Tôi rất cảm phục những người thực hiện trưng bày này!”, bà Nguyễn Thị Trâm – người tham dự triển lãm, chia sẻ trong cuốn lưu bút. 

Sau một số trưng bày về kỷ vật của từng nhà khoa học đã từng tổ chức trước đây, “Chuyện nghề địa chất” là cuộc triển lãm chuyên đề đầu tiên về một lĩnh vực khoa học của Trung tâm. Đây là một trong những bước đi để Trung tâm chuẩn bị cho việc xây dựng Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam, dự kiến sẽ trưng bày về từng ngành, từng lĩnh vực khoa học nhằm để góp phần đem lại cái nhìn rõ nét hơn cho công chúng về nghiên cứu khoa học. Dự kiến, một số chuyên đề trong thời gian tới sẽ được trưng bày những cách thức mới mẻ với nhiều điểm nhấn, thỏa mãn thị giác cho người tham quan. 

“Chuyện nghề địa chất” sẽ được trưng bày trong vòng 6 tháng và mở cửa miễn phí từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần để phục vụ khách tham quan. 





Hình ảnh cố GS Nguyễn Văn Chiển và các đồng nghiệp tại một góc Trưng bày. 

Nhật ký địa chất của GS.TSKH Phan Trường Thị – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cho biết: nhật ký thực địa chỉ được viết bằng bút chì, không được viết bằng bút bi để nếu có lỡ làm rơi xuống nước thì cũng không bị nhòe mực. Mỗi nhà địa chất có đến hàng trăm cuốn nhật ký ghi lại từng bước chân trên con đường đi thực địa.

Chiếc búa địa chất của PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh (Viện Địa chất và Khoáng sản), do chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tặng năm 1985

 Kính lập thể của TS. Phạm Văn Quang (Viện Địa chất và Khoáng sản), chuyên gia Đan Mạch tặng khoảng năm 1992 – 1993, dễ dàng mang theo trong các chuyến đi thực địa.

Máy ảnh của GS.TSKH Đặng Trung Thuận (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), mua năm 1960 ở Liên Xô. Theo ông: có máy ảnh, nhà địa chất chỉ cần ghi tọa độ nơi khảo sát, chụp các vết lộ rồi lấy mẫu đá và quặng về nghiên cứu.

Mẫu đá Chalcedony được PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh (Viện Địa chất và Khoáng sản) sưu tầm ở Tây Nguyên, 1997.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)