Cố GS Tôn Thất Tùng: Chọn nghề y vì chán ngấy chốn quan trường

Ngày 27/5, tại Hà Nội, bà Tôn Nữ Ngọc Trân - con gái cả của cố GS Tôn Thất Tùng, đã thay mặt gia đình chính thức bàn giao hơn 3.000 di vật của Giáo sư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Các di vật được trưng bày tại lễ bàn giao cho thấy cuộc đời sống động và nhiều góc cạnh của vị bác sĩ nổi tiếng này.

 

 

 

Bà Tôn Nữ Ngọc Trân ghi sổ lưu niệm. Phía sau là bà Tôn Nữ Hồng Tâm,
con gái út của GS Tôn Thất Tùng.

Bút tích của GS Tôn Thất Tùng. Ông từng là sinh viên Trường Y khoa Hà Nội (1935 – 1939) và sau này là Giáo sư Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại – ĐH Y Dược Hà Nội từ năm 1954. Một hồi ký của ông cho thấy lý do ông chọn nghề y là vì chán ngấy chốn quan trường và đây là một nghề “tự do”, không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân.

Một số đồ dùng của ông lúc sinh thời.

Thẻ tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng cộng sản Việt Nam (27 – 31/3/1982)
ghi tên khách mời Tôn Thất Tùng. Lý lịch tự khai của ông cho thấy, người giới thiệu ông
vào Đảng cộng sản Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã phục vụ ngành Y tế với
tư cách là Thứ trưởng từ năm 1947 đến năm 1961.

Một cuốn sổ ghi chép của GS Tôn Thất Tùng khi ông đi công tác Trung Quốc.

Trong hơn 3.000 di vật được bảo quản, chủ yếu là các ghi chép
của GS Tôn Thất Tùng về y học.

Có rất ít tài liệu y học của ông được ghi chép bằng tiếng Việt mà chủ yếu bằng tiếng Pháp. Ngoài ra cũng có một số tài liệu bằng tiếng Anh, Nga, Trung và tiếng Triều Tiên.

Di vật được chú ý nhiều nhất là cuốn nhật ký Điện Biên Phủ của ông,
được ghi lại vào năm 1954. Cũng như nhiều kỷ vật khác của ông, cuốn nhật ký này đã được lưu giữ bởi nhiều người (học trò, đồng nghiệp,…) trong một thời gian dài trước khi được quy tập trở lại với gia đình của cố Giáo sư.

Trong một trang của nhật ký Điện Biên Phủ, ông ghi: “Để cho Bách và Trân xem”. Vào thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, GS Tôn Thất Bách, con trai cả của ông, mới được 8 tuổi.

Địa đồ Điện Biên Phủ được GS Tôn Thất Tùng ghi chép tỉ mỉ trong nhật ký.

GS Tôn Thất Tùng cũng tỏ ra là một người giàu chất lãng mạn với nhiều bài thơ được
ghi chép trong các sổ nhật ký. Bài thơ ở ảnh trên trong nhật ký Điện Biên Phủ
có đoạn: “Sương mai mây bạc núi Là/Rừng xanh, suối mát, cây đa bến ngòi/
Từ đây cảnh ở người xuôi/Người đi nhớ cảnh, nhớ thời chiến khu”.

Một bản đồ khác được ông vẽ trong nhật ký Điện Biên Phủ, có ghi “Chiêm Hóa (1947 -1954)”
và “Nhà ở CH và bệnh viện”. Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ ông phải di chuyển nhiều lần
từ Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1948),
Đại Lục, Phú Thọ (1949) đến Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950).

Có rất nhiều danh thiếp được GS. Tôn Thất Tùng đính kèm trong các nhật ký và tài liệu của ông. Trong ảnh là hai danh thiếp của hai người bạn của ông ở ĐH California (Hoa Kỳ). Bên cạnh danh thiếp của bà Shirley Chater có ghi “rất tốt. liên lạc nếu cần xin fellowship” (học bổng).

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)