Đánh giá lại vai trò của kinh tế nông nghiệp

Hội thảo Quốc tế Hiệp hội Châu Á của các nhà kinh tế nông nghiệp (ASAE) lần thứ 7 vừa diễn ra tại Hà Nội đã tập trung đánh giá lại vai trò của kinh tế nông nghiệp trong việc hỗ trợ Châu Á vượt qua những rào cản hạn chế hiện nay để hướng tới cải thiện thu nhập, giảm nghèo, và cải thiện an ninh lương thực.  

Hội thảo diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 15/10, do Hiệp hội Châu Á của các nhà kinh tế nông nghiệp (ASAE) và Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông thôn (IPSARD) tổ chức, với sự tham gia của các nhà kinh tế nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Châu Á đang phát triển chững lại. Nguyên nhân chính do năng suất không được cải thiện, các tài nguyên thiên nhiên như đất và nước bị suy thoái, các nguồn lực cho nông nghiệp bị hút sang các ngành khác, giá nhiên liệu tăng cao, và các nguy cơ do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Châu Á vẫn còn những hạn chế trong cơ cấu vận hành thị trường và chính sách của chính phủ.

Theo GS Peter Timmer từ ĐH Harvard và ĐH Quốc gia Australia, thách thức của Châu Á hiện nay là làm sao hỗ trợ được các hộ nông dân nhỏ trên quy mô lớn, cụ thể là làm sao giúp họ cải tiến công nghệ khi mà cách vận hành theo cung cầu thông thường của thị trường khó làm được việc này. Ông cho rằng cần có sự tham gia tích cực của Nhà nước, đặc biệt là đối với cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản trong nông nghiệp.

Ông cũng cho rằng thị trường luôn có những khiếm khuyết, vì vậy, việc các chính phủ Châu Á can thiệp vào thị trường tự do qua những gói hỗ trợ chi phí đầu vào như trước đây là phù hợp. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng qua thời gian, mức hỗ trợ của các chính phủ đã trở nên quá nhiều, dẫn đến tình trạng lạm dụng các nguồn đầu vào, gây ra sự phát triển không bền vững.

Bài thuyết trình của Prabhu Pingali từ Quỹ Bill & Melinda Gates nhấn mạnh sự cần thiết của việc chống suy thoái chất lượng đất nông nghiệp và cải thiện quản lý sử dụng nước tưới tiêu, trong đó có đề cập tới bài học về khôi phục đất màu ở cerrado, Brazil. Trong bài thuyết trình, Prabhu cảnh báo rằng tới năm 2050, trên thế giới sẽ có 9 tỷ dân số, nhu cầu lương thực là rất lớn. Tuy nhiên, ông lạc quan tin rằng nếu con người thực hiện những biện pháp cải cách hợp lý thì sẽ đảm bảo được an ninh lương thực của thế giới.

Một trong những vấn đề thế giới quan tâm hiện nay là việc sử dụng các nguồn lực nông nghiệp cho sản xuất nông nghiệp đã dẫn tới khan hiếm lương thực và giá cả lương thực tăng cao. GS Timmer cho rằng cần phải ngừng tình trạng trồng lương thực để phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, quan điểm của ông là những lo ngại hiện nay thiên nhiều về chính trị hơn là có cơ sở kinh tế chắc chắn.

Đối với tình hình nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia Steve Jaffee của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam về cơ bản có đủ gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, ông quan ngại rằng việc ưu tiên quá nhiều cho cây lúa hiện nay ở Việt Nam là chưa hợp lý, vì sản lượng gạo Việt Nam dẫu tăng cao nhưng đời sống nông dân không đi lên theo mức tương ứng. Ông cho rằng chính sách cạnh tranh quốc tế bằng giá rẻ của ngành gạo Việt Nam là không hiệu quả, và nhấn mạnh rằng Việt Nam nên có một chiến lược với các chính sách linh hoạt, giảm bớt các tài nguyên hiện đang ưu tiên cho lúa gạo để chuyển sang phục vụ các mục đích khác sinh lợi hơn cho nông dân.
 

 

Tác giả