Đánh giá thực trạng đóng góp của KH&CN cho nông nghiệp

“Đóng góp của khoa học cho nông nghiệp nếu chỉ nhìn vào lượng thì cũng đáng mừng, nhưng nhìn vào chất thấy còn những hạn chế,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định tại Hội nghị toàn quốc đánh giá hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tại hội nghị do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&CN cùng Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/09 tại Hà Nội, ngoài sự tham gia của ba cơ quan trung ương nói trên, còn có sự tham gia của đại diện các địa phương, hội nông dân, hội khuyến nông, các trường và viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, và một số nông dân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, đã đem đến cho hội nghị nhiều ý kiến phong phú, đa chiều. Qua đó cho thấy đã có một số thành tựu nhất định trong ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp, với các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu như chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế lớn cần được giải quyết, khắc phục, điển hình là vấn đề giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp do trình độ sản xuất và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm còn hạn chế, dẫn tới thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn rất thiếu hoặc được ít người biết đến.

Phần lớn các nhà quản lý KH&CN cùng các nhà khoa học chung quan điểm cho rằng nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ KH&CN trong nông nghiệp còn quá ít. phân chia manh mún, chưa tập trung hình thành chuỗi giá trị gia tăng tối ưu từ nghiên cứu tới sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho giáo dục và đào tạo cũng hạn chế, khiến các trường phải tăng quy mô để thu học phí, và hậu quả là các nhà khoa học phải dồn sức cho giảng dạy, không còn thời gian, tâm trí dành cho nghiên cứu, như phản ánh từ PGS. Trần Đức Viên của Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các nhà quản lý sớm tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo phục vụ sơ kết việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 7 BCH trung ương, trong đó cần phản ánh trung thực, không tiêu cực nhưng cũng không “tô hồng”. Ông khẳng định trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước và xã hội dành cho nông nghiệp còn nhiều hạn chế, trong khi các sản phẩm ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài theo các hiệp định thương mại quốc tế như WTO và sắp tới là TPP, các nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu về vấn đề cải thiện công tác quy hoạch, tổ chức và quản lý trong nông nghiệp, qua đó tạo ra những điều kiện, nền tảng căn bản phù hợp cho việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu công nghệ vào nông nghiệp, và đáp ứng những đòi hỏi của thị trường quốc tế đối với các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu nâng cao sự liên kết giữa giới khoa học với doanh nghiệp, nông dân, và thị trường. “Nếu chúng ta vừa muốn được Nhà nước bao cấp, vừa muốn đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu, thì không có cách gì thỏa mãn”, ông nhận định.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)