Dấu hiệu mới về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) gần đây công bố một báo cáo trong đó đưa ra thông tin mới về cái gọi là “các yếu tố quân sự hóa” của chương trình hạt nhân của Iran, mấu chốt gây xung khắc giữa Tehran và phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này.
Các vũ khí hạt nhân hoạt động theo nguyên lý nổ được coi là hiện đại hơn so với trái bom từng được Mỹ thả xuống Hiroshima. Trong các vũ khí này, việc kích hoạt nổ sẽ tạo ra sóng chấn động ép mạnh vào lõi chứa nhiên liệu hạt nhân của trái bom, gây ra phản ứng chuỗi mà kết quả cuối cùng là một vụ nổ hạt nhân.
Các vũ khí hạt nhân hoạt động theo nguyên lý nổ thường nhỏ gọn và hiệu quả, cần thiết cho việc chế tạo ra các đầu đạn tên lửa hạt nhân.
Iran tuyên bố rằng những luận điệu cho rằng họ đang theo đuổi các công nghệ nói trên là những lời dối trá dựa trên tài liệu giả mạo, hoặc là những tài liệu có thực nhưng đặt vào sai văn cảnh. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình, ví dụ như để tạo ra điện hạt nhân hoặc các đồng vị dùng trong y tế.
Báo cáo cho biết gần đây Tổng giám đốc của IAEA, Yukiya Amano, đã viết thư tới các nhà chức trách Iran để nhắc lại những quan ngại về bằng chứng Iran nghiên cứu chương trình hạt nhân vì mục tiêu quân sự, và đề nghị để IAEA “ngay lập tức” được vào kiểm tra các thiết bị và nhân sự Iran trên diện rộng.
Báo cáo nói rằng ông Amano “khuyến nghị Iran nên đáp lại một cách tích cực” để xác nhận “bản chất hoàn toàn vì hòa bình” cho chương trình của mình.
Các mối lo ngại về tham vọng quân sự của Tehran bằt đầu công khai từ năm 2002, và kết quả là đã có 4 vòng cấm vận từ Liên Hợp Quốc. Tới nay, những lệnh trừng phạt này vẫn không ngăn được Iran tiếp tục làm giàu uranium, tạo ra nhiên liệu có thể dùng cho các lò phản ứng cũng như cho các quả bom nguyên tử.
Năm 2009, các chuyên gia cao cấp của IAEA kết luận trong một đánh giá mật rằng “Iran có đủ thông tin cần thiết để thiết kế và sản xuất một thiết bị gây nổ” với uranium đã được làm giàu.
Báo cáo mới có bao gồm một số bằng chứng kỹ thuật làm căn cứ cho kết luận này. Trong đó khẳng định nguồn thông tin bao gồm “từ nhiều quốc gia thành viên” cũng như từ chính kết quả điều tra của IAEA.
Các chuyên gia hạt nhân phỏng đoán rằng đa số thông tin tình báo là từ Israel, Mỹ, và Tây Âu, tuy rằng IAEA có tới 151 nước thành viên.
Bảy phạm trù công nghệ đề cập trên đây đều liên quan tới thiết kế đầu đạn hạt nhân: cách chuyển hóa uranium thành nhiên liệu trong bom, cách chế loại thiết bị nổ có thể gây ra nổ hạt nhân, cách tạo ra neutron để gây phản ứng chuỗi, và thiết kế mũi hỏa tiễn hạt nhân.
Hai nhà ngoại giao thông thạo về các bằng chứng này – cả hai đều phát biểu với điều kiện giấu tên – nhấn mạnh rằng nếu tách biệt riêng rẽ thì từng công nghệ không thể hiện Iran đang chế tạo bom. Họ thừa nhận rằng một số công nghệ trong đó hoàn toàn có thể là vì mục đích hòa bình.
Nhưng họ cho rằng tổng thể tất cả các bằng chứng kết hợp với nhau cho thấy Iran đã rất nỗ lực trên nhiều hướng tiếp cận để chế tạo ra vũ khí hạt nhân. Một nhà ngoại giao nói: “chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể”.
(William Broad, New York Times)