ĐBSCL: Chiến lược trồng lúa ít thâm canh và đa dạng hơn là giải pháp bền vững? 

Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, ĐH An Giang và ĐH Stockholm đã thực hiện một so sánh kinh tế sinh thái giữa ba chiến lược trồng lúa ở ĐBSCL nhằm trả lời câu hỏi “chiến lược nào là giải pháp bền vững?”.

Áp dụng mô hình lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng Tháp. Nguồn: NNVN.

Tuy chỉ chiếm 12% diện tích Việt Nam nhưng ĐBSCL thực sự là vựa lúa của đất nước khi đóng góp hơn 50% sản lượng gạo Việt Nam. Trong quá khứ, việc làm đê để sản xuất lúa vụ ba đã làm gia tăng sản lượng nhanh chóng. Tuy nhiên sự gia tăng của đê cao đã làm giảm sự kết nối thủy lợi trong lòng ĐBSCL, sau đó là làm giảm thông lượng nước giàu phù sa và trầm tích cho khu vực trồng trọt, đồng thời làm ngăn trở đường đi của cá. ĐBSCL đang đứng ở ngã ba đường giữa các mô hình canh tác và giữa việc chấp nhận tình trạng suy thoái hay cải tạo và trả lại những điều kiện tự nhiên cho cả vùng. 

Để đi tìm câu trả lời, các nhà nghiên cứu đã khảo sát tại Hồng Ngự, Tam Nông và Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, một trong số các địa phương có tổng diện tích mở rộng để trồng lúa vụ ba lớn nhất ĐBSCL trong hai thập kỷ qua và được bảo vệ trong mùa nước nổi bằng đê cao. Xấp xỉ 1/3 tổng diện tích trồng lúa là lúa vụ ba nhưng cũng có nhiều nông dân trồng lúa hai vụ. Các nhà khoa học chọn mô hình trồng lúa hai vụ ở vùng đê thấp làm cơ sở để so sánh sự hiệu quả của mô hình lúa ba vụ ở đê cao với mô hình hai vụ lúa một vụ cá.

Kết quả cho thấy, phần lớn nông hộ (70%) thích trồng lúa hai vụ hơn bởi vì có năng suất cao hơn. Mô hình tương tác lúa – cá đã làm gia tăng kết nối trong hệ sinh thái đồng lúa, đem lại tác động tích cực lên cây lúa chống chịu sâu bệnh, cải thiện dưỡng chất, cải thiện chất lượng đất. Nhiều nông hộ trồng hai lúa đã đạt năng suất 8,2 tấn trên một héc ta, cao hơn rất nhiều so với mô hình ba lúa. Nếu cho rằng mô hình lúa vụ ba đem lại thu nhập bền vững hơn thì phân tích tài chính cho thấy mô hình hai lúa một cá lại có thu nhập cao hơn. Trên thực tế, nông hộ ba lúa có tỉ lệ chi phí lợi ích thấp hơn, chủ yếu bởi chi phí sản xuất của họ cao đáng kể (50–70%) so với hai nhóm còn lại, và lợi ích đạt được suy giảm theo thời gian. Dẫu nông hộ ba lúa có sản lượng cả năm cao hơn thì cũng chỉ tương đương với nông hộ hai lúa một cá. 

Qua phỏng vấn, nhiều nông hộ ba lúa cho biết ngày càng gặp phải các vấn đề khó lường về sâu bệnh và thời tiết với lúa vụ ba. 73% nông hộ cho biết trong năm năm qua, sản lượng lúa đã suy giảm. Mặt khác, sự không bền vững của giá lúa và hóa chất phục vụ nông nghiệp là những thách thức chính trong khi nông hộ hai lúa một cá cho biết việc trồng lúa-cá đã làm tăng lợi nhuận, vừa do giảm chi phí vừa do tăng năng suất lúa và cá.

Về chiến lược quản lý sâu bệnh, nông hộ ba lúa sử dụng lượng thuốc trừ sâu cao hơn đáng kể so với hai nhóm còn lại, do giảm số lượng thiên địch, thâm canh, và lạm dụng phân đạm và lúa ba vụ khiến sâu bệnh phát triển mạnh hơn. Nông hộ hai lúa một cá do dùng ít thuốc trừ sâu nên chi phí cho sản xuất tương đối thấp, và lúa bán được giá hơn do nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua “gạo sạch”.

Về chiến lược đê cao đê thấp, năng suất lúa của hơn 50% hộ ba lúa giảm, chủ yếu là do ít phù sa và nhiều sâu bệnh hơn, đa số cho rằng năng suất sẽ không tăng trong tương lai vì đất ngày một bạc màu. 60% số hộ khi tăng phân bón đã phải chịu chi phí sản xuất tăng cao trong khi chỉ 50% hộ nói vụ ba làm tăng thu nhập. Do đó, mô hình hai lúa, một cá đem lại một giải pháp bền vững cho ĐBSCL khi tăng cường kết nối với hệ sinh thái, tái sử dụng dưỡng chất và áp dụng các cơ chế kiểm soát sâu bệnh tự nhiên. 

Kết quả nghiên cứu được miêu tả trong bài báo “An ecological economic comparison between integrated rice-fish farming and rice monocultures with low and high dikes in the Mekong Delta, Vietnam” và xuất bản trên tạp chí Ambio. □

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)