Dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn hậu Covid-19
Ngành dệt may, với quy mô lên tới 2,6 triệu lao động và đóng góp 12,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam, đang điêu đứng vì Covid-19. Ngoài việc cùng chung số phận với ngành dệt may cả thế giới, ngành dệt may trong nước sẽ còn gặp những khó khăn khác nữa nếu như không đổi mới nâng cao giá trị sản phẩm của ngành.
Sản xuất ở Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex. Nguồn: VOV
Đó là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.
Đến hết tháng 5/2020, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may giảm mạnh, xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU giảm lần lượt 15% và giảm 19%. Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc MCSS, trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu, chưa rõ về khả năng mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như châu Âu và Mỹ thì chưa thể nói về khả năng phục hồi của ngành dệt may, khi có tới 90% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Đây là những khó khăn chung mà toàn ngành này trên khắp thế giới phải gánh chịu do Covid-19, khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may cũng cho ra dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu 2020 toàn thế giới.
Tuy vậy các doanh nghiệp không nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước, chỉ có 133/3.143 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng doanh nghiệp được khảo sát đã tiếp nhận được các chính sách hỗ trợ và vẫn rất khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng. Các doanh nghiệp cho biết, chính sách giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực bởi trong thời gian này các doanh nghiệp đều không có thu để mà nộp thuế. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng nhiều quy định đi kèm quá rườm rà: “Ví dụ hỗ trợ 1.8 triệu đồng với lao động khi họ dừng hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương với điều kiện doanh nghiệp không có doanh thu và không có khả năng tài chính chi trả – có nghĩa là doanh nghiệp đó đóng cửa. Trong khi các doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân lao động, vì không dễ mà tuyển dụng mới. Hoặc có những điều kiện như thiệt hại 50% tài sản thì [doanh nghiệp] đóng cửa rồi chứ làm gì còn tồn tại nữa mà nhận hỗ trợ”, TS Phạm Sỹ Thành nói. Do đó, các chính sách cần thiết thực và cụ thể hơn chứ không thể đặt thêm điều kiện cản trở như vậy.
Covid-19 đến và rồi sẽ ra đi, vì vậy những khó khăn còn ở lại sau Covid-19 liên quan đến nội lực của ngành hơn, mà theo nhóm nghiên cứu, ngành dệt may Việt Nam hiện tại không có chuỗi cung ứng đầy đủ và quá phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu cũng như công nghệ vào một thị trường Trung Quốc. Do vậy ngành này sẽ rất khó tận dụng lợi thế của EVFTA, vốn có quy định phải có nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn-forward). Cụ thể, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may đang chiếm khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; trong đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu.
Chưa kể, ngoài những khó khăn trên thì ngành dệt may đến nay không còn được chào đón mặn mà ở nhiều tỉnh vì bao giờ cũng đi kèm với chi phí, sức ép xử lý môi trường.
Đồng tình với một số nhận định cơ bản của nhóm nghiên cứu đưa ra, TS Trương Văn Cẩm cho rằng báo cáo này là rất cần thiết trong bối cảnh ngành dệt may đang cùng thảo luận chỉ ra các vấn đề nội tại và bàn giải pháp gỡ khó hậu Covid-19 đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do mới. Ông khuyến nghị, để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất, ngành dệt may cần phải tìm cách phân tán thị trường nguyên phụ liệu sang nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ. Mặt khác, việc đổi mới công nghệ không kỳ vọng vào thay thế hoàn toàn công nghệ nhập từ Trung Quốc mà cần tính tới việc đổi mới để đưa ra các sản phẩm sợi có hàm lượng tri thức của người Việt nhiều hơn, như các loại sợi từ đậu nành, sợi từ tre, sợi sen… cho đến các thiết kế của người Việt để làm gia tăng giá trị cho ngành dệt may. □
Bảo Như