Di sản: Bảo tồn không ngăn cản xây mới

Sáng 25/1, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức tọa đàm nhằm thảo luận thực trạng hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn di tích hiện nay và giải pháp nhằm kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động này.

Kiến trúc sư chuyên về di sản và trùng tu Hoàng Đạo Kính cho rằng, ba nguy cơ hiện nay của công tác bảo tồn là tôn tạo quá đà, “xây dựng cơ bản hóa” việc trùng tu, và lạm dụng làm kinh tế bằng di sản hay nói cách khác là “du lịch hóa” di sản.

Ngoài ra, theo ông, còn có nạn “cả nước sôi sục chạy đua nâng cấp di tích lên di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, rồi di tích được UNESCO công nhận. Việc xếp hạng di tích vẫn mang nhiều tính nể nang. Ở quê tôi, có khi công trình chỉ còn một cái nền cũng được công nhận di tích”. “Một nạn khác nữa là xây dựng một cách lãng phí và thiếu thận trọng di tích mới để tôn vinh những người cách mạng cả đời sống thanh bạch, liêm khiết,” ông nói.

Trước tình trạng đó, ông đề xuất rà soát lại danh mục di sản, xác định những di sản nào xứng đáng được bảo tồn đ phân cấp ứng xử, chẳng hạn như di tích lịch sử thì phải giữ cho được, còn phế tích thì có th để nguyên, không nên cố tình phục dựng nếu không đủ hiểu biết và tiềm lực. “Không bảo tồn được cái gốc thì thà không làm còn hơn vì làm như thế là xuyên tác di tích,” ông nói
 
Tuy nhiên, bên cạnh những cái “cần giữ thì phải giữ cho được”, ông cũng cho rằng cái gì cần nới thì phải cho nới.

Một việc cấp bách khác, theo ông, là cấp chứng chỉ hành nghề cho những người làm công tác bảo tồn di tích, nhất là trong bối cảnh việc trùng tu, tôn tạo, xây mới được xã hội hóa rộng rãi như hiện nay.

Nhận định bảo tồn di tích là lĩnh vực dễ mắc sai phạm nhất, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đề xuất, thanh tra trong lĩnh vực này phải vào cuộc ngay từ khi dự án mới tiến hành và có mặt suốt quá trình thi công. “Khác với việc thanh tra trong các lĩnh vực khác, có thể thu tiền về cho nhà nước từ các sai phạm, thanh tra hoạt động tu bổ, quản lý di tích không thu được tiền về mà cái gì bị phá hỏng thì đã hỏng rồi, vì vậy thanh tra phải vào cuộc ngay từ đầu mới có giá trị,” ông nói

Liên quan đến việc xây mới di tích, ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng, tinh thần của công tác bảo tồn là phải giữ được giá trị tinh thần của di tích chứ không chỉ cái vỏ vật chất, bởi “gỗ đá nào cũng có tuổi”. “Bản thân di tích cũng thường biến đổi trong quá trình tồn tại, như Văn Miếu, lúc đầu chỉ là miếu thờ Khổng Tử, sau có thêm Quốc Tử Giám, rồi Khuê Văn Các, và gần đây nhất là nhà che bia và nhà Thái Học. Nếu phục vụ tốt cho nhu cầu hiện tại và hài hòa với cảnh quan thì xây mới nên được khuyến khích, đặc biệt là để tạo ra những công trình mang dấu ấn thời đại,” ông nói.

Với quan điểm này, ông cho rằng việc trùng tu nhà tổ và gác khánh ở chùa Trăm Gian (Hà Tây, Hà Nội) mới đây là chấp nhận được bởi đó không phải là những hợp phần quan trọng nhất của ngôi chùa và trước đó đã từng được trùng tu vào những năm 1980. Nếu có sai lầm ở đây thì đó là thiếu tư vấn xác đáng của giới chuyên môn.

Để bảo đảm chất lượng của việc tôn tạo, xây mới trong bảo tồn di tích, theo ông Bài, cần sử dụng tối đa chức năng quản lý nhà nước ở khía cạnh ra các văn bản pháp quy; kiểm soát, thanh tra; và xây dựng các quy hoạch tổng thể. “Cần khuyến khích các thành phần xã hội tham gia bảo tồn di tích và đồng thời trao cho họ các thiết kế hoặc các hướng dẫn, tư vấn cần thiết,” ông nói.

Ngoài ra, ông Bài nhấn mạnh, giáo dục về di sản văn hóa một cách sâu rộng trong cộng đồng cũng sẽ là một việc làm hết sức ý nghĩa.

Tác giả