Địa phương vẫn lúng túng trong đưa KH&CN vào sản xuất
Ngày 18/8, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Ứng dụng KH&CN phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Hồng” tại Hà Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị cần đánh giá kết quả hoạt động KH&CN trong thời gian qua, từ đó rút ra các giải pháp để gắn KH&CN với việc phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương – một công việc mà ít địa phương thực hiện được.
Phó Thủ tướng nhận xét báo cáo của Bộ KH&CN về phát triển sản xuất khu vực đồng bằng sông Hồng mới chỉ cho thấy hiện trạng phát triển của các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhưng không nói rõ được vai trò của bộ KH&CN với các chính sách phát triển và cụ thể trong từng lĩnh vực như thế nào.
Các đại biểu cho rằng hiện nay việc nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện ở tầm nhìn của các địa phương về vai trò của KH&CN trong sự phát triển các ngành kinh tế. Một mối quan ngại nữa là cho đến nay vẫn chưa hình thành được “thị trường công nghệ” – kết nối “cung” và “cầu” để các địa phương, doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học.
TS. Vũ Chí Cương, Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi, nêu ý kiến: “Nhà nước đã khá quan tâm, đầu tư ngân sách cho các nghiên cứu khoa học nhưng đa số đều nằm trên nóc tủ, không được đưa vào ứng dụng trong sản xuất vì hiện nay hầu hết các viện nghiên cứu không biết nhu cầu của các tỉnh. Và ngược lại, các tỉnh cũng không cập nhật được những nghiên cứu khoa học mới có tính ứng dụng cao ở các viện”.
Các đại biểu đề xuất, muốn xây dựng sản phẩm chủ lực phải dựa vào điều kiện thực tế của từng vùng/địa phương để từ đó tổ chức sản xuất lớn; ngoài ra, cần thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm tới nghiên cứu KH&CN cũng như tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp KH&CN.
Tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay các địa phương vẫn đang rất lúng túng trong áp dụng KH&CN vào phát triển sản xuất nói chung và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực nói riêng. Vì vậy, thời gian tới phải xác định các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, của cả vùng từ đó lên kế hoạch ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Về kết nối “cung” và “cầu” trong chuyển giao sản phẩm KH&CN, Phó Thủ tướng đề xuất lập một website thí điểm để các viện nghiên cứu đăng kết quả nghiên cứu và các địa phương tìm hiểu, đặt hàng.
Một số kết quả ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở ĐBSH thời gian gần đây:
Trong nông nghiệp: Sản xuất các loại cây chủ lực: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa; trồng rau trong nhà lưới, nhà kính; trồng rau không dùng đất (khí canh, thủy canh); chọn, tạo, nhân giống các loại cây đặc sản như vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, chuối ngự Đại Hoàng… Cơ giới hóa nông nghiệp: nghiên cứu thành công máy cày nhỏ Bông Sen 12, 14; máy kéo 35 – 40 sức ngựa phục vụ làm đất. Chăn nuôi: chọn lọc, lai tạo giống địa phương và một số giống ngoại; sản xuất giống nhân tạo hầu hết các giống thủy sản, ứng dụng công nghệ di truyền điều khiển giới tính… Các mô hình ứng dụng KH&CN điển hình: mô hình nuôi cá rô phi hàng hóa tập trung cho lãi suất bình quân 35 – 40 triệu đồng/ha; mô hình xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ vi sinh; mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm ăn – nấm dược liệu theo hướng công nghiệp… Trong công nghiệp: Cơ khí chế tạo đã tiếp cận và khai thác được các phần mềm trợ giúp thiết kế hiện đại, đạt mức tiên tiến so với các nước trong khu vực. Tiêu biểu: thiết kế tàu chở hàng đến 54.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 100.000 tấn, thiết kế và chế tạo máy biến áp công suất đến 220kv-250MVA đạt tiêu chuẩn châu Âu, chế tạo các thiếu bị nâng hạ cỡ lớn như cổng trục đến 750 tấn, cầu trục gian máy đến 1200 tấn với tỉ lệ nội địa hóa 90%… Công nghệ phần mềm: có những doanh nghiệp có trình độ công nghệ ngang hàng với các doanh nghiệp của Ấn Độ, Ireland, có khả năng thắng thầu những dự án lới về outsourcing phần mềm và dịch vụ như công ty TMA, công ty Paragon Solutions… |