Doanh nghiệp KH&CN gặp khó khăn về vốn đầu tư
Các doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN Việt Nam mới phát triển ở mức khiêm tốn và khó trụ vững ngay cả ở thị trường trong nước, theo nhận định của ông Trần Đắc Hiến, giám đốc Ban quản lý Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) tại hội thảo “Xây dựng chính sách hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN” diễn ra vào ngày 26/3 tại Hà Nội.
Để khắc phục tình trạng này, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, TS Phạm Hồng Quất đã đề xuất những chính sách về vốn như khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển KH&CN cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN với khoản 10% doanh thu, đồng thời cho phép doanh nghiệp liên kết với viện trường hoặc các doanh nghiệp khác theo cụm để thành lập Quỹ chung nhằm đưa Quỹ này thành vốn đối ứng, đem lại điều kiện nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua các đề tài, dự án, đề án… Các doanh nghiệp KH&CN cũng có thể huy động vốn theo phương thức khác như crowfunding từ cộng đồng, địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở ươm tạo và quỹ đầu tư trong nước, quốc tế để thu hút đầu tư.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự về kinh nghiệm xây dựng mạng lưới cơ sở vườn ươm đạt tiêu chuẩn quốc tế của trường ĐH kỹ thuật Swinburne, kinh nghiệm xây dựng mạng lưới CLB khởi nghiệp của các trường ĐH Việt Nam của quỹ IDG Ventures Việt Nam, kinh nghiệm điều hành dự án Việt Nam Silicon Valley… Trên cơ sở thành công của Mỹ và Australia, TS Jerome Donovan và TSs Eryadi K Masli nhấn mạnh đến các yếu tố tạo nên sự thành công của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trong trường ĐH như sự cam kết của trường ĐH, hỗ trợ trong khâu R&D, có sẵn vốn ban đầu và có khả năng tiếp cận vốn; đầy đủ cơ sở hạ tầng; minh bạc trong hợp đồng ký kết giữa các bên tham gia…
Theo khảo sát của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, các cơ sở ươm tạo Việt Nam vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động như cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, cách giải thích văn bản quy phạm pháp luật mỗi địa phương có sự khác biệt; vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ là cơ sở vật chất ban đầu nên thiếu vốn hoạt động, trừ một số có tài trợ quốc tế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm. Tương tự, doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN cũng gặp nhiều khó khăn như hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách ưu đãi của nhà nước; khó tiếp xúc được các quỹ đầu tư do nguồn lực kinh tế hạn chế, không đủ vốn đối ứng, khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp…
Hội thảo do Bộ KH&CN phối hợp với Ban quản lý dự án “Hỗ trợ chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” tổ chức.