Đón đọc Tia Sáng số 20 năm 2021

Mỗi một số báo như một lát cắt về cuộc sống, một cuộc sống đang ngổn ngang trăm mối với những vấn đề của dịch bệnh, đói nghèo, biến đổi khí hậu, di cư… mà không ai có thể bỏ qua. Thật khó có thể hình dung một cách rõ nét tất cả những điều đó, nếu chúng ta không ngồi lại và ngẫm ngợi…

Nếu tự hình dung về thế giới này, bạn thấy điều gì? Thế giới thực ra là một hệ phức hợp với những thành phần hết sức đa dạng và phong phú với tính chất tự tổ chức (self-organized), tính đột sinh (emergence), khả năng biến đổi tiến hóa (adapt) trong môi trường và hành xử phần lớn đều phi tuyến tính. Mặc dù có thể duy trì được sự tồn tại trong trạng thái dưới tối ưu nhất định nhưng “sự ổn định” kiểu này rồi sẽ sớm biến đổi theo thời gian và đi tìm một dạng trật tự mới…

Quy luật của thế giới tự nhiên hay xã hội vẫn đang vận hành như vậy. “Hệ phức hợp: Những biểu hiện đa dạng trong một thế giới phức tạp” – điều mà nhà vật lý Giorgio Parisi đúc rút trong công trình đoạt giải Nobel của ông lại vừa khéo để chúng ta nhìn vào thế giới hôm nay, trong tác động của đại dịch hay biến đổi khí hậu.

Với quy luật vận hành ấy, việc chỉ ra bản chất của các vấn đề đang không ngừng chuyển động không bao giờ dễ dàng. Trong năm thứ hai mà COVID-19 phủ bóng lên trái đất, cuộc sống của con người vẫn không ngừng bị đảo lộn. Những dòng di cư trước bệnh dịch, nay càng được thúc đẩy bởi đói nghèo, đã trở nên nghiêm trọng hơn… Nhưng thật ra, những người di cư đó – họ có phải là những tác nhân chiếm việc làm, “phá giá” lao động của người sở tại? Câu hỏi đó cứ tồn tại mãi trong đầu những nhà hoạch định chính sách, trong đầu những người dân địa phương vì không có cách nào để tìm ra đích xác câu trả lời… Cho đến một ngày, giáo sư David Card đã loại đi những biến nhiễu, phân tích so sánh và tìm ra một sự thật lẩn khuất giữa các con số thống kê: di cư không làm thay đổi thị trường lao động.

Đây chỉ là một trong những nỗ lực của giáo sư David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens nhằm lý giải cho những vấn đề hàm ý chính sách và có tác động đến đời sống, thậm chí là số phận của hàng triệu triệu người lao động thông qua việc nêu ra mối quan hệ nhân quả – vốn tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của xã hội hôm nay như đầu tư phát triển, sức khỏe, tài nguyên môi trường… Có thể những người dân lao động có mặt tại hàng trăm quốc gia không biết đến tên tuổi của các nhà kinh tế nhưng công việc của họ, cuộc sống của họ đã thay đổi phần nào từ “Cuộc cách mạng trong kinh tế học thực nghiệm” này…
“Nỗi buồn không của riêng ai”, ở Việt Nam ảnh hưởng của đại dịch khiến dòng chảy di cư từ nông thôn ra thành thị đã đổi chiều. Những dòng người di chuyển từ các khu công nghiệp, các thành phố lớn vài tháng gần đây cho thấy nỗi khó khăn của việc lập lại nhịp độ sản xuất trong thời kỳ bình thường mới. Vậy chúng ta phải làm gì để “Thu hút lao động hậu đại dịch”? Các nhà kinh tế cho rằng, cần phải có chính sách thu hút người lao động trở lại như dùng khuyến khích kinh tế, tác động vào động lực kinh tế cá nhân, công cụ kinh tế hành vi; nhưng hơn cả là những gói “phúc lợi” gồm giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà trọ, vaccine COVID.

Vậy là chúng ta có thể thấy mọi việc tạm ổn chưa, khi sống trong một thế giới bình thường mới và được hưởng các chính sách xã hội với tâm lý chấp nhận sự tồn tại của COVID và những loại dịch bệnh đầy rẫy trong tự nhiên? Nhà sử học Harari nói là chưa khi cảnh báo “Xã hội có nguy cơ bị kiểm soát hoàn toàn” bởi sự tập trung quyền lực vào một vài gã khổng lồ web và trên hết là dữ liệu lớn.

Cái nhìn u ám của Harari và một thực tế ghi lại từ lịch sử đến hiện tại, bao gồm những dịch bệnh trong quá khứ, tương lai biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và những dịch bệnh có thể đến…, khiến ai nấy đều thấy hoài nghi về sự sống trên trái đất này. Nhưng thật ra, tất cả hay hay dở đều nằm trong tay chúng ta, ngay cả trong cuộc “đối đầu” với AI “Thiên tài không ở đó. Thiên tài cũng không phải là AI. Thiên tài ở đây chính là con người, những người đã thực hiện việc chọn ra các đề xuất của AI” – câu nói của một nhà khoa học máy tính về trường hợp “Hoàn thiện bản giao hưởng bỏ dở của Beethoven: AI thực sự là thiên tài”.

Điểm xuyết giữa những đề tài “bom tấn” này, số báo mới của Tia Sáng vẫn có những điểm nhấn khác “Nghiên cứu và ứng dụng vật lý hạt nhân nửa thế kỷ trước ở Việt Nam”, “Nhớ giáo sư Nguyễn Đình Tứ”, “Abdulrazak Gurnah: Người trả bóng đêm về với bóng đêm”, “Dinu Lipati: Hơn 30 năm rực rỡ trên đời”…

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)