Đón đọc Tia Sáng số 21 năm 2021

Có lẽ, không có niềm vui nào lớn hơn là gửi đến các bạn món quà mang đậm bản sắc Tia Sáng: một câu chuyện về khoa học, giáo dục và văn hóa trong cuộc sống “bình thường mới”.

Ở đây, chắc hẳn ai đó sẽ thắc mắc, khoa học, giáo dục và văn hóa trong bối cảnh mới có gì khác trước? Thật ra, trong dòng chảy cuộc sống hôm nay, giữa âu lo về nguy cơ rủi ro của bệnh dịch và bất định về tương lai phía trước, điều khiến chúng ta cảm thấy bình tâm hơn cả, đó là những trụ đỡ này.

Hiển nhiên, giáo dục không là câu chuyện của ngày hôm nay. Những kết quả và hệ lụy của một nền giáo dục trong quá khứ đang hiện hữu trước mắt chúng ta với tất cả những vấn đề của nó. Chúng ta luôn nhắc đến những cụm từ thời thượng như “đổi mới sáng tạo”, “tạo ra đột phá”, “đẳng cấp thế giới”… nhưng giáo dục ở bậc đại học của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém: sự bất bình đẳng trong tiếp cận, chương trình giảng dạy còn có chất lượng thấp, sinh viên kỹ năng yếu, sự hợp tác trao đổi nghiên cứu giữa các trường trong nước, giữa các trường trong nước với quốc tế còn thấp, hệ thống quản trị yếu kém… Tất cả những điều này đã được giáo sư Pierre Darriulat, một nhà khoa học từ 20 năm nay chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai, phân tích dưới góc nhìn thấu đáo và không kém phần nhân văn – “Thật dễ chỉ trích nhưng thật khó để chèo lái đất nước trên con đường đúng đắn”.

Với góc nhìn của một người yêu và hiểu Việt Nam, ông đã nhìn thấy “Những tia hi vọng” ở phía trước: hãy bắt đầu thảo luận trong cộng đồng, lắng nghe những tiếng nói khác nhau và hội tụ những kiến nghị hữu ích từ bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ông cho rằng “thảo luận và lắng nghe một cách tích cực chưa phải là thói quen của người Việt, nhưng nếu chúng ta thay đổi được thói quen này sẽ thúc đẩy ý thức về trách nhiệm chung, điều mà hiện nay như vô hình”.

Cũng là câu chuyện về giáo dục nhưng ở góc độ phổ thông, “Giáo dục năng khiếu: Để không gây bất bình đẳng?” (Đỗ Thị Ngọc Quyên) là một tiếng nói phân tích về vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua: có nên duy trì hệ chuyên phổ thông? Đó có phải là nơi cổ xúy cho sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục? Vấn đề phức tạp hơn ta tưởng. Bởi dạy mọi trẻ em theo một cách như nhau để đảm bảo công bằng là sai lầm nghiêm trọng nhưng sự giàu có của phụ huynh ở các trường chuyên cũng chưa hẳn là biểu hiện của bất bình đẳng – điều đó chỉ xảy ra khi sự giàu có ấy được dùng để mang lại lợi thế về “suất chuyên” cho con cái họ…

Nếu chúng ta không làm tốt tất cả những điều mà hai tác giả khuyến nghị, điều gì sẽ xảy ra?

Thật ra, một số hệ lụy của nó đã nhãn tiền, đó là một nguồn lao động trẻ thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, 60% làm trong khối phi chính thức và đáng lo hơn, thuộc nhóm có tỉ lệ thất nghiệp nhiều nhất Việt Nam. Khi việc làm giản đơn ngày càng bị thu hẹp, những công việc đòi hỏi kỹ năng cao đang gia tăng, liệu nguồn lao động trẻ sẽ ra sao? “Lao động trẻ cần những gì?” rõ ràng là một câu hỏi day dứt.

Đó là những lý do khiến chúng ta một lần nữa phải nhìn nhận lại nền tảng giáo dục. Không còn cách nào khác, chúng ta phải thay đổi, nền giáo dục của chúng ta cần được thay đổi như khuyến nghị của giáo sư Pierre Darriulat.

Câu chuyện giáo dục khiến chúng ta không khỏi âu lo. Liệu chúng ta có phải mò mẫm đi trên một chặng đường dài mà ngổn ngang trăm mối giáo dục, và cả sự hiện hữu của dịch bệnh? Thật may mắn khi chúng ta còn trụ đỡ khoa học. Dù nguồn lực đầu tư không thật dồi dào, dù phải chịu cái nhìn có phần thiên lệch của nhiều người, nhưng khoa học Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, đã đóng góp nhiều cho cộng đồng hơn là người ta tưởng. “Vi cầu phóng xạ Y-90: Ước mơ của những người làm hạt nhân” cho chúng ta thấy những suy tư và trăn trở của người làm khoa học trong việc làm ra một phương pháp điều trị tối ưu cho ung thư gan với giá thành chỉ bằng một nửa quốc tế.

Thật khó trong vài ba dòng ngắn ngủi có thể nói hết những nỗ lực của các nhà khoa học qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nếu đọc “Giải mật một hồ sơ phóng xạ hơn 40 năm trước” của giáo sư Phạm Duy Hiển, chắc hẳn ai cũng rút ra một vài điều gì đó hữu ích, có thể là từ trong quá khứ thì nhà khoa học không sống trong “tháp ngà”, nhà khoa học cũng có nhiều trăn trở tìm tòi. Và đôi khi, không phải lúc nào cũng được nói hết những việc mình đã làm…

Giữa lúc dịch bệnh chưa lui, giữa lúc ngổn ngang trăm mối tơ vò, những câu chuyện về văn hóa, giáo dục, khoa học sẽ góp phần đem lại cho chúng ta sự cân nhắc hiểu biết, cái bình tâm suy xét, sự tĩnh tại cần thiết để có thể bước tiếp, dù đâu đó vẫn thấy âu lo…

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả