Đón đọc Tia Sáng số 22 năm 2021
Các bạn chờ đợi gì ở một số báo mới? Những câu chuyện khoa học, giáo dục và văn hóa với góc nhìn mới mẻ và khách quan?
Trong số báo này, chúng ta sẽ nhìn thấy thế giới chúng ta đang sống và đất nước mình đang sống, cùng chung một nguy cơ: biến đổi khí hậu đã chực chờ và một tương lai bất định, nếu không có giải pháp nào hữu hiệu…
Nhưng tất cả có thật sự trầm trọng? Nếu ai đó còn thắc mắc điều này, khi những gì diễn ra trong phạm vi nhỏ bé của mình còn ấm êm và bình lặng, ắt hẳn sẽ dành chút thời gian để tìm hiểu “Một thế giới trước khủng hoảng”. Có lẽ, cần một chút kiên nhẫn hơn mọi khi để có thể nắm bắt trọn vẹn 10 vấn đề thế giới đang phải đối mặt, mà GS Pierre Darriulat đã cân nhắc đưa ra: nhân khẩu học tăng trưởng quá nóng; di cư, nghèo đói, bất bình đẳng; các cuộc chiến tranh và khủng bố; quản trị, thất bại dân chủ, chủ nghĩa dân túy; năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân, năng lượng tái tạo; sự nóng lên toàn cầu; ô nhiễm; đô thị hóa, thực phẩm và cấp thoát nước; sức khỏe; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và mạng xã hội.
Vì sao với những tiến bộ ngày càng gia tăng của khoa học, thế giới chưa thể giải quyết được những vấn đề này? Bằng cái nhìn thấu suốt, GS Pierre Darriulat chỉ ra “Các lập luận phi lý tính và cảm tính đã chiếm ưu thế, chia rẽ chúng ta thành các phe phái thù địch, đổ lỗi cho nhau về sự suy thoái ngày càng nhanh của thế giới toàn cầu hóa nơi chúng ta đang sống”.
Bức tranh GS. Pierre Darriulat khái quát mang nhiều màu sắc ảm đạm. Đến đây, hẳn chúng ta thấy rằng, biến đổi khí hậu là bài toán lớn của cả thế giới, và của chính Việt Nam, không thể có được lời giải một cách đơn giản và nhanh chóng.
Việt Nam không nằm ngoài sự bủa vây của biến đổi khí hậu. Ngoài bão lũ, nước biển dâng… thì rất có nguy cơ vào giữa thế kỷ và cuối thế kỷ 21,“Việt Nam sẽ rơi vào cảnh hạn hán”. Theo các kịch bản dự báo của các nhà nghiên cứu ở trường ĐHQGHN, ĐH Khoa học&Công nghệ HN và quốc tế, các vựa lúa, vựa tôm cá của Việt Nam như đồng bằng Bắc Bộ, ĐBSCL, Tây Nguyên… sẽ có hạn hán gay gắt, khốc liệt dài ngày hơn vào rất nhiều thời điểm trong năm, không chỉ trong mùa khô.
Những biến động của tự nhiên có tác động đến đời sống của chúng ta? “Ai gánh chịu nhiều nhất?” – những người vốn đã khốn đốn bởi bất bình đẳng, đói nghèo nay lại phải hứng chịu đòn giáng của khí hậu. Bị kẹp giữa hai làn đạn, họ sẽ đi đâu, làm gì để sống? Không có nơi nào để nương náu bởi các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, dù ly hương, di cư tìm đến vùng đất mới hay bám trụ ở mảnh đất cha ông thì họ vẫn không có cách nào thoát khỏi hoàn cảnh, giống như câu ca dao lan truyền nhiều đời nay “Gánh cực mà đổ lên non, Còng lưng mà chạy, cực còn theo sau”…
Số phận của họ cũng là số phận của chúng ta, khi cùng sống chung trong một thế giới biến đổi khí hậu, nơi biến đổi khí hậu trở thành một tác nhân khủng khiếp tô đậm thêm những gam màu tối tăm và ảm đạm. Dẫu dịch bệnh vẫn còn đang rình rập, chúng ta còn phải giải quyết thêm những vấn đề hiện hữu khác mà biến đổi khí hậu “Khoét sâu khoảng cách giữa các quốc gia” và các nước giàu chối bỏ “Cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu” – trong khi họ là tác nhân lớn về phát thải khí nhà kính…
Đến đây, hẳn ai cũng cảm thấy tuyệt vọng. Chúng ta có đường thoát hiểm? chúng ta có cách nào để tự cứu chính mình?
Giải pháp nằm trong tay chúng ta, nếu biết suy nghĩ một cách lý tính hơn về những gì mình đã có, thậm chí cả những gì mình đã chối bỏ. Trong “Năng lượng trong biến đổi khí hậu: Giải pháp cho Việt Nam?”, TS. Trần Chí Thành, viện trưởng Viện NLNTVN, một chuyên gia về công nghệ hạt nhân, cho rằng, giải pháp về năng lượng bền vững cho thế giới, và dĩ nhiên cả Việt Nam, không dành riêng cho năng lượng tái tạo hay điện khí bởi những nhược điểm của nó. Đây là thời điểm điện hạt nhân cần được nhìn nhận một cách đúng đắn và công bằng hơn, không chỉ vì độ tin cậy và ổn định của nó mà còn vì sự gia tăng về năng lực khi làm chủ nó.
Nhìn nhận lại những sai lầm và đặt niềm tin vào khoa học, đó là cách để chúng ta cùng vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu. GS Pierre Darriulat đã đánh giá, trong lịch sử, con đường đến với tiến bộ luôn bị rất nhiều chông gai cản trở nhưng giải pháp tốt nhất là chúng ta phải học cách vượt qua. “Trong nhiều thế kỷ, quyết tâm của chúng ta đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn và niềm tin vào các giá trị mà sự khai sáng đã được minh chứng là thành công. Chúng ta tin tưởng vào khoa học, giáo dục và một nền tảng luân lý dựa trên sự nghiêm cẩn về trí tuệ và đạo đức… Nhiều tiếng nói đang lên tiếng, cảnh tỉnh về mối đe dọa có thể dẫn tới sự sụp đổ có nguy cơ xảy ra với nền văn minh toàn cầu”.
Trong khi nghiền ngẫm về những vấn đề của thực tại, những vấn đề mà chắc hẳn sẽ khiến chúng ta phải đọc đi đọc lại để thấu hiểu, thì vẫn còn rất nhiều bài viết trong số báo này của Tia Sáng như những mảnh ghép tươi tắn và nhẹ nhõm “Chuyện cũ kể lại: Biến đổi khí hậu có làm sụp đổ các xã hội?”, “Thời gian có thực sự trôi ?”, “Bốn kiệt tác Tây Ban Nha “mới”: Phản chiếu hậu quả của biến đổi khí hậu”, “Người mắt kép: Thì ra thế giới là như vậy”, “Khoa học viễn tưởng về khí hậu: Khi nhà văn ‘đọ sức’ với nhà khoa học “Leif Ove Andsnes: Mỗi dự án cổ điển là một món quà”…
Vậy thì còn gì ngại ngần nữa mà không cầm lên, số mới của Tia Sáng đã trong tay bạn.
Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang