Đón đọc Tia Sáng số 5/2022

Bạn chờ đợi gì ở một số báo? Những thông tin mới - những góc nhìn mới? những câu chuyện hấp dẫn – những ký ức mà thời gian không làm mất đi ý nghĩa? hay những điều tưởng chừng như xa cách nhưng thật ra lại gần gụi với mỗi con người?...

Tất cả những điều đó đều có mặt trong số báo này.

Những mảnh ghép của cuộc sống ấy, dù quá khứ hiện tại hay tương lai, cũng đều ẩn chứa nhiều nghĩ suy về một vấn đề cốt lõi “làm thế nào để cuộc sống này tốt đẹp hơn”?

Nếu mang suy nghĩ ấy nhìn vào một thực tại đang diễn ra ở Việt Nam, hẳn ai cũng cảm thấy choáng váng: biển cả và nguồn lợi thủy sản Việt Nam không còn như xưa. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết đến câu thơ “biển cho ta cá như lòng mẹ” của nhà thơ Huy Cận. Trải qua sự biến thiên của thời gian, bức tranh về biển và hệ sinh thái đa dạng trên biển Việt Nam đã trở nên khác biệt. Có lẽ, không ai ngờ rằng, một ngày nào đó, lòng biển sẽ trơ cạn và vắng dần sự sống – không chỉ vì biến đổi khí hậu mà chính từ tác động của con người theo nhiều cách. Có lẽ, chúng ta chưa tường tận ngọn ngành điều đó nếu chưa đọc Biển Việt Nam: Liệu có thể cứu vãn? (Võ Kiều Bảo Uyên) và tự trả lời được những câu hỏi không phải lần đầu dấy lên: Điều gì đẩy các ngư dân đến nỗi tuyệt vọng đằng sau cánh cửa nhà giam của những nước láng giềng? Và tại sao dù biết kết cục cay đắng đó, nhiều người dân vẫn liên tiếp dấn tàu vào khu vực đánh bắt cá trái phép? Và lí do gì khiến nỗ lực gỡ thẻ vàng của Việt Nam vẫn chưa thể thành công?

Có cách nào để khôi phục hệ sinh thái biển khơi và “gọi” cá về? Giải pháp bao giờ cũng sẵn sàng nhưng để thực hiện nó thì phải đối diện với rất nhiều rào cản cơ chế, quyền hạn. Khi chọn phát triển kinh tế biển và khai thác biển mà chưa tính toán một cách thấu đáo đến những hệ lụy môi trường, ắt hẳn chúng ta phải đánh đổi (trade-off): có được nguồn thu trước mắt nhưng sẽ phải gánh chịu những nguy cơ rủi ro tương lai…

Đó là những mảnh ghép của quá khứ, một quá khứ vàng son thịnh trị gắn liền với triều Lê sơ. Dưới những góc nhìn mới của sử liệu kết hợp cổ khí hậu học, chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh về tác động của khí hậu tới sự hưng thịnh của một triều đại, một quốc gia, trong đó, thời kì Tiểu Băng hà tưởng chừng xa xôi nhưng cũng để lại những dấu ấn rõ nét đến một nơi nhỏ bé trên địa cầu như Đại Việt. “Đây là một trong ba giai đoạn bức xạ Mặt trời rơi xuống mức cực tiểu khiến nền nhiệt độ trung bình Trái đất giảm. Niên giám khí tượng thủy văn cho biết vào đời Lê Nhân Tông, ngay ở kinh thành (Đông Kinh) mặt nước ao hồ đều đóng băng, hồ Hoàn Kiếm cũng phủ một lớp băng. Đó là hiện tượng chưa từng có trong nhiều thế kỷ gần đây…” Trong Khí hậu và sự suy vong triều Lê sơ, tác giả Lư Vĩ An sẽ cho chúng ta thấy “áp lực thiên tai liên tiếp và kéo dài có thể làm xói mòn địa vị của triều đại trị vì vốn được cho là người chịu trách nhiệm duy trì sự hài hòa vũ trụ trời đất. Điều này có thể góp phần lý giải nguyên nhân vì sao thời Lê sơ chỉ tồn tại trong khoảng một thế kỷ”.

Những câu chuyện của quá khứ luôn mang màu sắc đặc biệt, không chỉ vì nó mở ra cho chúng ta chiêm ngưỡng những điều chưa từng chứng kiến mà ngay cả những câu chuyện xảy ra cách đây vài chục năm, khi nhìn lại cũng mang nhiều ý nghĩa. Trong Chuyến về nước đầu tiên của giáo sư Lê Dũng Tráng, một nhà toán học từng bảo vệ bằng tiến sĩ KH tại Paris năm 1971 và là người có học vị này trẻ nhất ở Pháp thời bấy giờ, chúng ta gặp lại một đất nước Việt Nam trong chiến tranh và những bậc trưởng thượng của KH&GD nước nhà như GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, thấp thoáng bóng dáng GS Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu…

Cái không khí say mê khoa học trong giai đoạn đất nước còn khó khăn đó khiến chúng ta có phần day dứt nghĩ về thực tại của khoa học, khi tính liêm chính đang bị phá vỡ. Qua Liêm chính khoa học: NAFOSTED gợi mở một hướng đi, GS Pierre Darriulat nhấn mạnh “những gì liên quan đến đạo đức khoa học chạm tới vấn đề chung hơn đó là tham nhũng và sự dối trá đang trở thành một dịch bệnh ngăn cản đất nước tiến bộ”. Ông hy vọng đây là cơ hội cho các Hội khoa học của Việt Nam thể hiện một thái độ chủ động và có trách nhiệm đối với vai trò là tiếng nói của các nhà khoa học mà họ đại diện…

Bên cạnh những bài viết nhiều suy ngẫm và chiêm nghiệm này, Tia Sáng luôn có những câu chuyện sống động và hấp dẫn khác Telegram chống Facebook thế nào? (Kỳ 2) – Nguyễn Quang dịch; Thiên văn trên mảnh đất bị chiếm đoạt: Khu vườn trên núi Que Đỏ – Nguyễn Bình; Những điều chưa biết về Thăng Long – Tô Như; Những cuộc chiến chưa suy tàn – Nguyễn An Nam; Huyền thoại Vikings: Valhalla: Soi chiếu một lịch sử đa diện – Anh Thư dịch; Giáo dục tình cảm, Gustave Flaubert và mùa xuân của những tiểu thuyết gia – Hiền Trang; Sự tái sinh nghệ thuật của các nhà soạn nhạc Đen – Ngọc Anh lược dịch.

Mọi người quan tâm đến Tia Sáng có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

 

Tác giả