Dòng đời- dòng tâm huyết

(Tiểu thuyết của NGUYỄN TRUNG, nxb Văn Nghệ TPHCM, 2006)

Bộ tiểu thuyết Dòng đời của Nguyễn Trung (4 tập) là bộ sách đồ sộ cả về chữ và nghĩa. Nó bao quát một khoảng thời gian khá dài: hành trình ba mươi năm của đất nước; một không gian khá rộng: từ Việt Nam sang Châu Âu, sang Mỹ; nó bao gồm nhiều típ nhân vật: tốt xấu, cũ mới, già trẻ, ở nhiều trình độ, nhiều nghề nghiệp, sống ở khắp nơi trong và ngoài nước. Khởi điểm, bộ Dòng đời đã tái hiện một thực tiễn vô cùng phức tạp của đất nước sau ngày thống nhất, khi cái vết chém nơi sông Bến Hải đã liền trên cơ thể Tổ quốc nhưng mãi không liền sẹo trong lòng khá nhiều người từng sống trong chế độ cũ, những khó khăn chồng chất khi vừa trải qua cuộc chiến dài đẵng, có tính hủy diệt; thêm vào đó là những hậu quả nặng nề do sự đổ vỡ của những mối quan hệ quốc tế, do những sai lầm ấu trĩ, thiếu kinh nghiệm dẫn đến cái nhìn giáo điều, thiếu biện chứng… Rồi trong cái đêm tối mịt mùng ấy, những đốm lửa của trí tuệ, của tâm huyết đã nảy sinh, dần bùng cháy, dần làm sáng rõ ra con đường cần phải đi của dân tộc, dần làm sáng rõ những cơ hội và thách thức, đặt ra những sự lựa chọn sinh tử, những giải pháp sống còn.
 

Nhân vật chính là Phạm Trung Nghĩa, một sĩ quan cao cấp, một thương binh, đồng thời cũng là một cán bộ của một học viện quân sự, từng tốt nghiệp Đại học Quân sự Phrun-de, có tài và đức độ, một con người giàu suy tư, khả năng phân tích sâu sắc, luôn có những chính kiến độc đáo, sẵn sàng sả thân vì lợi ích chung. Chính qua cuộc sống của Phạm Trung Nghĩa, từ công việc đến những mối quan hệ ruột thịt, đồng nghiệp, bạn bè… Nguyễn Trung đã đan kết nên một mạng lưới nhân vật, dựng lên một cuộc sống muôn mầu muôn vẻ, và đặc biệt, ông có chủ ý dựng lên những cuộc đối thoại độc đáo giữa các nhân vật khác biệt nhau. Qua đó, những vấn đề cốt lõi, cấp thiết, nan giải, quyết định sự tồn tại và phát triển của chế độ và đất nước đã được đặt ra, được phân tích, được cọ xát.
Có một nét rất độc đáo của Dòng đời là Nguyễn Trung đã mạnh bạo và đầy bản lĩnh mang những vấn đề thiết cốt nhất về lịch sử, về ý thức hệ; những tri thức về triết học, về chính trị, về kinh tế và văn hóa vốn vẫn quen nhìn một hướng nay được đặt trong một phạm vi rộng lớn hơn, toàn diện hơn, chúng được soi rọi từ mọi góc độ, kể cả từ hướng nhìn ngược với  hướng nhìn chính thống quen thuộc. Trong vấn đề hết sức gai góc và nhạy cảm này, nếu người viết bị dẫn dắt bởi sự tính toán ích kỷ, hãnh tiến, xu thời, kể cả bởi sự yếu kém về trình độ, rất dễ có cái nhìn sai trái, thiển cận, làm méo mó thực tại. Nói ra những điều tốt đẹp thật dễ nhưng tìm ra được biện pháp phù hợp để biến chúng thành hiện thực mới khó. Chính vì cái tâm khác nhau, mục đích khác nhau, nên người ta có những suy nghĩ, cách làm khác nhau, chính điều này đã phân loại ra người này là xây dựng, còn kẻ kia là phá hoại. Nguyễn Trung trước hết là một người có cái tâm trong sáng, ông không ngại mổ xẻ những thực trạng gai góc, nhưng cái nhìn của ông là cái nhìn biện chứng, mọi sự vật hiện tượng được khảo sát trong một chỉnh thể chịu tác động qua lại của những cái khác, chính vì thế ngòi bút của ông là ngòi bút xây dựng, ông không hề nương tay trước bất kỳ cái xấu, cái ác, cái tha hóa, cái thoái hóa, cái bất cập, cái không phù hợp nào,  nhưng có một điều bất di bất dịch ở ông là ông luôn bảo vệ lý tưởng cao đẹp của cách mạng, đó là cuộc cách mạng giải phóng kiếp nô lệ hôm qua và sự nghiệp đổi mới đi tới hạnh phúc, tiến bộ của ngày hôm nay.
Dường như không phải Nguyễn Trung viết lên Dòng đời mà cái vốn sống cả quãng đời dài 70 năm đầy ứ của ông đã trào lên trang giấy; người đọc rất dễ tin, rất dễ bị cuốn vào mạch truyện bởi cuộc sống trong Dòng đời là cuộc sống thứ thiệt, không giống sự “sáng tác” của những cây viết vừa non tay vừa thiếu vốn sống; bao tình cảm, bao suy tư, bao nỗi niềm của tác giả rất dễ được người đọc đồng cảm bởi sự chân thành, bởi sự nặng lòng của ông đối với sự phát triển của đất nước.

Đông La

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)