Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi: cần thể hiện rõ những biện pháp bảo đảm thực thi

Sau nhiều hội thảo lấy ý kiến, dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) tiếp tục được Bộ KH&CN hoàn chỉnh và đưa ra thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp. Trong cuộc hội thảo ngày 19/6 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đại diện doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nêu rõ cần có các giải pháp bảo đảm tính thực thi trong các quy định của luật.

Ông Ngô Việt Hòa (Công ty Luật Russin & Vecchi) dẫn chiếu các quy định về “Các biện pháp bảo đảm phát triển KH&CN”, “Hội nhập quốc tế về KH&CN” và cho rằng dự thảo còn nhiều quy định mang tính “tuyên bố chính sách” mà chưa có quy định cụ thể để thực hiện các chính sách này.

“Các chính sách vĩ mô về phát triển KH&CN nên được cân nhắc đưa vào một Nghị quyết của Quốc hội hoặc một Chiến lược tổng thể do Thủ tướng ban hành thì sẽ hợp lý hơn” – ông Hòa nói.

Cùng nhận định với ông Hòa, TS. Nguyễn Văn Luật (Vụ Pháp luật, VP Chính phủ) cho rằng “một số quy định quan trọng đối với người hoạt động KH&CN như tự do sáng tạo, dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội… còn mang tính tuyên ngôn hơn là có cơ chế bảo đảm thực hiện”.

“Nhiều quy định về mục tiêu của hoạt động KH&CN, nhiệm vụ của hoạt động KH&CN, nguyên tắc hoạt động KH&CN được viết chung chung như chính sách, khó thực hiện, khó đo lường được và thực hiện ở mức độ này hay mức độ khác đều như nhau” – ông nói.

Để khắc phục tình trạng này, một mặt các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ các biện pháp bảo đảm thực thi, một mặt cân nhắc giải pháp gói gọn các “tuyên bố chính sách” này vào điều luật đầu tiên, thay vì dành quá nhiều chương, điều cho các vấn đề này.

Không đồng tình với các quy định quá cụ thể và chi tiết về hợp đồng KH&CN, đại diện Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT) cho rằng, điều này làm ảnh hưởng đến quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận, giao kết hợp đồng của doanh nghiệp: “Luật KH&CN chỉ nên quy định các nội dung, tiêu chí mang tính chất đặc thù của hợp đồng KH&CN, còn các nội dung khác thì tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng. Chúng ta không thể quy định nội dung, tiêu chí của loại hợp đồng này một cách quá chi tiết, vì như vậy sẽ làm khó cho doanh nghiệp”.

Dẫn chiếu các điều khoản về sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, bà Trần Nguyệt Minh (Phòng Pháp chế và Chính sách – Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng các quy định này là không cần thiết, vì các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật đầu tư, Bộ luật Dân sự,… đã điều chỉnh đầy đủ.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng phản ánh sự quan ngại của các nhà đầu tư về tư cách pháp lý của tổ chức KH&CN. Theo đó, một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực KH&CN ở Việt Nam sẽ phải thành lập các doanh nghiệp, tuy nhiên các tổ chức KH&CN trong nước lại không được coi là doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự khác biệt về quy chế pháp lý, tạo ra sự bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa hai tổ chức. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể xác định được các tổ chức KH&CN chịu trách nhiệm theo vốn góp như quy định của Luật doanh nghiệp hay chịu trách nhiệm như một đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định làm rõ tư cách pháp lý cũng như cơ chế ràng buộc trách nhiệm của loại hình tổ chức này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)