Dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS phải tiếp tục được thảo luận sửa đổi

Một số nhà khoa học bày tỏ sự thất vọng với bản dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, phiên bản đã được chỉnh sửa sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian qua.


Buổi tọa đàm diễn ra sáng 05/04 tại tòa soạn tạp chí Tia Sáng. Từ trái sang: PGS.TS Đỗ Vân Nam và PGS.TS Hoàng Mạnh Thắng (ĐH Bách khoa Hà Nội); GS.TS Đinh Dũng (Viện Công nghệ Thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Kể từ khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến công khai từ ngày 20/1 đến 20/3/2017, bản dự thảo đã trở thành chủ đề thảo luận hàng đầu trong giới khoa học, theo đó nhiều nhà khoa học đã gửi ý kiến đến Tia Sáng và được tạp chí lần lượt đăng tải. Nhằm tổng kết làm rõ các nội dung đóng góp chính yếu nhất cho dự thảo, sáng 5/4/2017, Tia Sáng đã tổ chức buổi tọa đàm với sự có mặt của một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực toán học, vật lý, cơ học, công nghệ thông tin và sinh học.

Sau khi được tham khảo phiên bản mới nhất của bản dự thảo, sẽ kết thúc việc lấy ý kiến vòng cuối với các Giáo sư Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành và liên ngành vào ngày hôm nay, các nhà khoa học đều bày tỏ lo lắng khi bản dự thảo chưa tiếp thu được những đề xuất sửa đổi mang tính cốt lõi nhất.

Những thay đổi dễ nhận ra nhất ở dự thảo sau tiếp thu ý kiến là tăng chỉ tiêu về số bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus (thêm một bài báo với mỗi chức danh). Tuy nhiên, theo các nhà khoa học dự tọa đàm, tiêu chí bài báo quốc tế chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. “Có những ứng viên có 30 công bố ISI vẫn không được công nhận giáo sư,” theo GS.TS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán học nhiệm kỳ 2014-2019, bởi “đó là những nghiên cứu không ai quan tâm, đăng trên những tạp chí không ai biết tên” như GS.TS Ngô Việt Trung, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, cũng là một Ủy viên khác của Hội đồng, lý giải.

“Bài báo ISI không thay thế được lá phiếu của các thành viên trong hội đồng ngành,” ông Hoa nói thêm.

Mọi cải cách phải bắt đầu từ hội đồng giáo sư ngành và liên ngành

Thế nhưng, lá phiếu của các thành viên ở nhiều hội đồng giáo sư ngành và liên ngành dường như chưa tạo được độ tin cậy như nó được ủy thác, trong một số trường hợp, còn có dấu hiệu tiêu cực. Việc chưa lựa chọn được người đủ trình độ và trách nhiệm để làm nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” ở nhiều hội đồng giáo sư ngành và liên ngành bấy lâu nay xuất phát từ những tiêu chuẩn lựa chọn hết sức mơ hồ, và ở bản dự thảo cập nhật nhất, những tiêu chuẩn đó vẫn chưa được cải thiện.

Theo các nhà khoa học nếu tình trạng này còn kéo dài, thì có khả năng những người xứng đáng được bổ nhiệm GS, PGS sẽ lâm vào cảnh chưa đạt tiêu chuẩn, trong khi những người không xứng đáng lại được bổ nhiệm “đúng quy trình”.

Các nhà khoa học đề xuất một quy trình tuyển chọn các thành viên hội đồng giáo sư ngành và liên ngành tường minh: tiêu chuẩn phải cụ thể, “năng lực của người xét ít nhất cũng phải tương đương người được xét”, và lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng cũng như các ứng viên đều phải được công khai trên mạng. Cơ chế làm việc của các hội đồng ngành, liên ngành, và hội đồng giáo sư nhà nước cũng cần được xây dựng một cách cụ thể và chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, loại trừ khả năng tiêu cực, và tránh tình trạng các thành viên hội đồng do thiếu trách nhiệm, hoặc do thiếu hiểu biết về các chuyên ngành hẹp khiến việc xét duyệt hồ sơ ứng viên không mang tính thực chất mà chỉ căn cứ trên những tính toán, cộng trừ điểm quy đổi một cách cứng nhắc vô cảm.

Bên cạnh các tiêu chuẩn mơ hồ đối với các thành viên hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, các ý kiến tại hội thảo cũng nhất trí rằng, bản dự thảo còn tồn tại một số tiêu chí mang tính hình thức như viết giáo trình hay hướng dẫn nghiên cứu sinh, dẫn đến việc “cưỡng bức” sinh ra những cuốn sách kém phẩm chất và “lạm phát” trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. “Ngành toán có những người vừa bảo vệ tiến sĩ xong đã lo đào tạo nghiên cứu sinh tại các cơ sở kém uy tín ở địa phương để chuẩn bị cho việc được công nhận PGS, GS của mình,” ông Ngô Việt Trung cho biết.

Nhìn chung, các nhà khoa học khẩn thiết bày tỏ, bản dự thảo phải được tiếp tục thảo luận, sửa đổi trước khi được ban hành, nếu không những đóng góp của nó vào việc nâng cao và kiểm soát chất lượng đào tạo khoa học sẽ hết sức hạn chế. “Cần có một cuộc tổng kết những nội dung cần được sửa đổi và mục đích sửa đổi”, theo GS.TS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học.

Là một văn bản liên quan mật thiết đến giới khoa học và sẽ ảnh hưởng về lâu dài đến việc đào tạo ở các bậc hoc, theo những người dự tọa đàm, việc soạn thảo quy định tiêu chuẩn GS,PGS không thể chỉ là việc làm của một số nhà quản lý giáo dục mà cần có sự tham gia ý kiến của giới khoa học từng ngành, để từ đó phác ra một cái khung chung cho việc bổ nhiệm, sao cho không kìm hãm sự phát triển của ngành nào nhưng cũng không đặt ra những tiêu chí trên trời đối với ngành nào.

Các nhà khoa học nhất trí cho rằng bản dự thảo hiện nay chưa nên được thông qua, bởi quá trình bàn bạc, góp ý cho  bản dự thảo phải được tiến hành bài bản hơn, và chắc chắn phải cần thêm thời gian.

Nội dung chi tiết hơn về tọa đàm sẽ được Tia Sáng đăng tải trong bài viết tiếp theo.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)