ĐỪNG COI THƯỜNG SỨC MẠNH CỦA ĐÁM ĐÔNG!

Gustave Le Bon (1841 - 1931) là học giả và nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Pháp. Các tác phẩm của ông đề cập tới nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời.

Trong tác phẩm Tâm lý học đám đông được xuất bản ở Pháp năm 1895, Le Bon đã phát triển lý thuyết của ông về đám đông ở Pháp trong những năm 1890, giai đoạn đầy những biến động và bất ổn về chính trị và xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và 1848.
Trong tác phẩm này, ông khẳng định tất cả mọi cá nhân đều có cảm xúc hay lý trí tập thể biểu hiện trong cuộc sống, nghệ thuật, và trong các tổ chức. Tuy nhiên, tâm lý đám đông lại bao gồm những tâm trạng và cảm xúc không mang tính duy lý song mang đặc tính lan truyền và lây nhiễm. Ngay khi những ý tưởng này lan rộng trong đám đông, chúng sẽ không dễ bị bác bỏ hay lật đổ, mà thường có xu hướng trở nên bảo thủ, cứng nhắc bất chấp tính vô lý của những ý tưởng này. Do vậy, cuộc cách mạng không chắc đã đạt được sự tiến bộ và mọi cải cách đều có thể là vô ích.
Tâm lý học đám đông là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất về tâm lý học từng được viết ra. Le Bon viết cuốn sách đầy sinh động, mãnh liệt trong từng câu chữ về những đặc điểm phổ quát và tâm lý đồng nhất của đám đông, về tâm trạng, ý kiến, sự hình dung, óc tưởng tượng… Đây hẳn là tác phẩm gối đầu giường không chỉ cho các sinh viên ngành lịch sử, tâm lý học, xã hội học, luật pháp mà còn cho những chính khách, những nhà đầu tư, những nhà quản lý và nghiên cứu thị trường…
Le Bon cho rằng đám đông chịu ảnh hưởng bởi một quá trình có tên là lây nhiễm, quá trình mà những xung động bạo lực và tính vô nghĩa có thể lan truyền qua thành viên của đám đông. Ngày nay, lý thuyết của Le Bon chịu rất nhiều chỉ trích. Dù nói thế nào thì Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành của những đám đông thể hiện rõ nhất trong lý thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về tình trạng bạo lực và sự vô lý của đám đông.
Đây là luận thuyết ngắn về các nguyên tắc của các đám đông tập hợp đủ lớn. Le Bon xem thường những nguyên lý của cuộc Cách mạng Pháp như dân chủ, tình bằng hữu hay bình đẳng, đó chỉ là nhưng câu khẩu hiệu sáo rỗng của những kẻ mị dân dùng để dụ dỗ đám đông dân chúng. Le Bon chỉ rõ cách suy nghĩ của đám đông, cách họ lý giải sự việc, cách họ hành động hay thể hiện tâm trạng thái quá cực đoan… Những cá nhân khi tham gia đám đông thường đánh mất chính mình, họ dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động và vội vã hành động mà không hề suy nghĩ kỹ càng, khi đó cá nhân đó nghĩ bằng cái suy nghĩ của đám đông, hành động theo cái cách hành động của đám đông, hay đúng hơn, người đó a dua theo đám đông mà không hề nhận thức được hành động của mình… Đó là tiền đề cho các hoạt động hoặc trở thành bạo lực cuồng tín mà đôi khi lại được coi là hành động cách mạng… Trong cái đám đông đó, nhà toán học, nhà trí thức cũng không khác gì người lao động hay những người có học thức kém…
Chính cái đám đông là nơi thể hiện rõ nhất tinh túy hay cái tinh hoa của một dân tộc. Hay đúng hơn, Le Bon cho rằng, tinh hoa và tầm tri thức của một dân tộc không phải chỉ được xác định bởi một vài cá nhân xuất chúng mà là cái tinh thần, cái suy nghĩ, cái tình cảm, cái trí tuệ của đám đông dân chúng, nhất là khi hoà quyện vào nhau… Chỉ có đám đông mới có thể làm lan truyền cảm xúc của một chiến thắng, một chiến công, hay lan toả một tín ngưỡng, một tôn giáo… Lời khẳng định của Le Bon chính là ĐỪNG COI THƯỜNG SỨC MẠNH CỦA ĐÁM ĐÔNG!

Nam Đường

Tác giả