Email làm con người xa cách nhau hơn

Trong thời đại này khi mà kĩ thuật số có khả năng kết nối liên tục, vì sao con người lại có xu hướng xa cách nhau hơn? Trong một nghiên cứu của Đại học Duke, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng từ năm 1985 tới 2004, tỷ lệ phần trăm số người nói rằng họ không chia sẻ những điều quan trọng với kỳ ai đã tăng gấp 3 lần, lên tới 25%; nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trung bình số lượng bạn bè và bạn tâm giao của mỗi người Mỹ giảm xuống còn 1/3 so với 2 thập kỷ trước đây.

Một nghiên cứu khác gần đây của các nhà nghiên cứu Đại học Michigan nhận thấy rằng sinh viên đại học ngày nay có khả năng đồng cảm – khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm nhận với người khác – ít hơn đáng kể so với các thế hệ sinh viên trước. Nguyên nhân, theo phỏng đoán của các nhà tâm lý học, có thể là do con người ngày nay dựa nhiều vào liên lạc qua kỹ thuật số và các hình thức truyền thông mới khác. 

Có thể email đã làm giảm thời gian con người dành để củng cố những mối quan hệ bạn bè ngoài đời, và khoảng cách cố hữu khi người ta liên lạc qua màn hình là mầm mống cho cảm giác bị cô lập, và xu hướng ít quan tâm tới người khác. Dù sao thì nếu chúng ta không quan tâm tới vấn đề của một người bạn nào đó online, chúng ta đơn giản chỉ việc log off.

Vấn đề là, khi thiếu đi sự đồng cảm, thì cũng thiếu đi sự tin cậy. Không có sự tin cậy con người không thể có một xã hội gắn kết. Một nghiên cứu mới của Kevin Rockmann từ Đại học George Mason University và Gregory Northcraft, giáo sư Đại học University – người chuyên sâu về quan hệ nơi cơ quan làm việc – khẳng định rằng liên lạc qua kỹ thuật hiện đại như email, hay (ở mức độ ít hơn) hội đàm qua video làm giảm đi khả năng giao tiếp bằng ánh mắt, tư thế, và những tương tác cá nhân khác cần thiết cho việc tạo dựng sự tin cậy. Trong môi trường công việc cũng như trong các mối quan hệ ngoài công việc, sự tin cậy là điều kiện cần thiết để con người hợp tác có hiệu quả theo nhóm. “Công nghệ đã làm chúng ta đạt hiệu suất cao một cách thực dụng hơn nhưng lại kém hiệu quả hơn”, Northcraft khẳng định. “Được cái này thì lại mất cái kia. Cái được là thời gian, cái mất là chất lượng các mối quan hệ.”   

Trong nghiên cứu của Rockmann và Northcraft, 200 sinh viên được chia thành nhiều tổ, và được yêu cầu xử lý 2 nhiệm vụ phức tạp. Một số nhóm liên lạc qua email, một số liên lạc qua hội đàm video, và các nhóm còn lại qua tiếp xúc trực tiếp. Kết quả là những nhóm liên lạc bằng cách tiếp xúc trực tiếp thể hiện sự tin tưởng nhau cao hơn và hợp tác một cách hiệu quả nhất; các nhóm liên lạc qua email ít có khả năng hợp tác nhất và công việc hoàn thành ít nhất. Northcraft cho rằng tiếp xúc trực tiếp ngoài đời khiến người tham gia có thể nhìn thấy và tương tác hiệu quả với cộng sự của mình, từ đó có độ tin cậy nhau cao hơn. Qua email, người ta không thể hiện được sự cam kết cao, vì vậy tinh thần hợp tác cũng uể oải hơn. “Nếu tôi không nghĩ là bạn hợp tác một cách nhiệt tình, tôi cũng sẽ không nhiệt tình,” Northcraft nhận xét. “Email không cho phép người ta xác nhận sự nhiệt tình và nghiêm túc của nhau”.

Như vậy, cho dù nếu một cộng sự làm việc chăm chỉ, đối tác qua email của người đó không thể biết được và điều đó làm giảm mức độ nhiệt tình trong hợp tác. Trong nghiên cứu này, những nhóm liên lạc qua hội đàm video có kết quả tốt hơn so với nhóm làm việc qua email. Điều này cho thấy sự tương tác bằng mắt đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự tin tưởng.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng biết là các cuộc họp hành (khi con người trực tiếp gặp nhau) trong thực tế kém hiệu quả như thế nào, và chúng ta cũng biết những giới hạn của email”, Northcraft nói. “Chúng ta cần có cải hai”. Vì vậy, bên cạnh khả năng liên lạc qua các phương tiện cơ động, ông khuyên các doanh nghiệp nên đảm bảo rằng nhân viên của mình gặp gỡ nhau thường xuyên đủ để “nạp năng lượng” cho quan hệ của họ nhằm phát triển sự tin cậy lẫn nhau. 

Điều này cũng đúng với các mối quan hệ gia đình và bạn bè, Northcraft khẳng định. Liên lạc với nhau qua tin nhắn, email, hay Facebook là không đủ. Thỉnh thoảng chúng ta cần gọi điện, hoặc tới thăm cha mẹ mình.

Hạn chế của nghiên cứu này, đối với các nhân viên, là nó chẳng hề làm giảm lượng email quá tải, và cũng không làm giảm những đợt họp hành triền miên. Tuy nhiên, nghiên cứu này có thể thuyết phục sếp của bạn cấp kinh phí cho một chuyến đi tới thăm một văn phòng chi nhánh ở xa nào đó. Mùa hè có thể là thời gian tốt để xây dựng lòng tin với một cộng sự nào đó ở bang Maine chẳng hạn.

(Belinda Luscombe, Time)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)