EU sẽ ra mắt một Cam kết chung về Chip
Cùng với đạo luật Chip châu Âu sẽ có hiệu lực vào tháng chín tới đây, EU sẽ ra mắt một Cam kết chung về Chip (Chip JU) với kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cũng như phụ thuộc vào nhập khẩu.
EU đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi thị phần bán dẫn lên 20% toàn cầu vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, có nhiều sáng kiến khác nhau được đưa ra trong Đạo luật Chip, huy động 43 tỷ Euro đầu tư công và cả nguồn lực từ tư nhân, trong đó đã bao gồm cả 3,3 tỷ Euro từ ngân sách EU.
Còn tham vọng cụ thể của Cam kết chung về Chip là thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nghiên cứu và giới công nghiệp, đồng thời làm cho châu Âu ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và các khu vực khác về chất bán dẫn. Cam kết này cũng không phải là một cam kết hoàn toàn mới mà là nâng cấp của mối quan hệ đối tác Key Digital Technologies từ trước đó (năm 2021, EU đã thông qua Quy định thành lập Cam kết chung về công nghệ kỹ thuật số quan trọng, tới mục tiêu thúc đẩy phát triển các công nghệ hệ thống và linh kiện điện tử, đồng thời góp phần giữ cho châu Âu luôn dẫn đầu trong thị trường toàn cầu). Nhưng đến nay, Chip JU tăng cường thêm ngân sách cũng như tăng trách nhiệm nhiều hơn, kỳ vọng mục tiêu lớn hơn nhiều.
Chip JU sẽ có tổng ngân sách gần 11 tỷ Euro, trong đó 4,2 tỷ Euro sẽ đến từ ngân sách EU, (tăng lên nhiều so với mức 1,8 tỷ Euro trước đây). Trong số 4,2 tỷ Euro, 1,3 tỷ Euro sẽ đến từ nguồn tài trợ của Horizon không liên quan đến Đạo luật Chip; 1,425 tỷ Euro trong quỹ Horizon có liên quan cụ thể đến đạo luật Chip; và 1,45 tỷ Euro sẽ đến từ chương trình Kỹ thuật số châu Âu.
Chip JU sẽ chính thức ra mắt tại Brussels vào ngày 30/11 và ngày 1/12, và sẽ triển khai dự án vào cuối năm nay.
Yves Gigase, quyền giám đốc điều hành của Chip JU, cho biết khối công nghiệp cũng như chính quyền các quốc gia trong khối đã cho thấy sự quan tâm đến việc đưa ra các cam kết tài chính quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, đồng thời phác thảo phạm vi của chương trình. Chip JU sẽ tiếp tục tài trợ cho các loại dự án nghiên cứu phát triển, bao gồm cả thiết lập các dây chuyền thí điểm, phát triển nền tảng thiết kế, thành lập các trung tâm năng lực và chip lượng tử.
Gigase cho biết: “Quy mô của các dây chuyền thí điểm nhìn chung lớn hơn nhiều so với các dự án mà chúng tôi đã thực hiện cho đến nay”. Các dây chuyền này sẽ được sử dụng để tạo ra sản phẩm mẫu và thử nghiệm.
Đề xuất dự án mới
Các tổ chức công và tư nhân đã tham gia vào cam kết chung dự kiến sẽ tiếp tục đề xuất các dự án mới, đồng thời sẽ nỗ lực để đảm bảo duy trì vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hợp tác này sẽ hướng tới không chỉ các nhà sản xuất chip mà còn cả các khối ngành sử dụng như vận tải, y tế, truyền thông và sản xuất nói chung để phát triển chip phù hợp với nhu cầu của các lĩnh vực này.
Gigase cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào mạng lưới các trung tâm phát triển năng lực, nơi sẽ tạo điều kiện tiếp cận các dây chuyền thí điểm và nền tảng thiết kế, hỗ trợ đào tạo và tìm kiếm nhà đầu tư. Đặc biệt là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện khả năng thiết kế và phát triển kỹ năng. Mục đích của Chương trình này là có ít nhất một trung tâm năng lực ở mỗi quốc gia thành viên EU.
Gigase cho biết: “Chúng tôi hy vọng các trung tâm năng lực này sẽ hoạt động như một cửa ngõ kết nối nhưng cũng như một trung tâm học tập”. “Điều cực kỳ quan trọng đối với ngành [bán dẫn] là tăng cường lực lượng lao động có tay nghề cao”.
Chương trình này nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động sản xuất trong EU, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái thiết kế châu Âu, đồng thời hỗ trợ mở rộng quy mô và đổi mới trên toàn bộ chuỗi giá trị.
Ngoài ra, EU cũng sẽ thành lập Quỹ Chip để tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay cho khối doanh nghiệp, đặc biệt là cho các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp đang mở rộng quy mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với hàng loạt các chương trình đầu tư vào nghiên cứu và phát triển Chip, EU kỳ vọng “trở thành một cường quốc công nghiệp trên các thị trường trong tương lai – có khả năng cung cấp cho châu Âu và cho cả thế giới chất bán dẫn chất lượng và tiên tiến”, Ủy viên Thị trường Nội bộ Thierry Breton phát biểu khi Chip JU có hiệu lực vào ngày 22/9.
Với Đạo luật Chip, châu Âu cũng mong muốn thu hút đầu tư vào các cơ sở sản xuất tiên tiến. Những cơ sở đầu tiên ở châu Âu có thể được phân loại là “các xưởng sản xuất mở” – các cơ sở thiết kế và sản xuất các bộ phận chủ yếu cho các nhà sản xuất công nghiệp khác – hoặc “các cơ sở sản xuất tích hợp” – thiết kế và sản xuất các bộ phận phục vụ riêng cho thị trường của họ. Những cơ sở này sẽ đủ điều kiện nhận tài trợ và cấp phép nhanh chóng.
Ngoài việc tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển và sản xuất, EU còn đặt mục tiêu cải thiện việc theo dõi đánh giá chuỗi cung ứng. Một hệ thống theo dõi đã được thiết lập để cảnh báo các vấn đề tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Châu Âu đổ nguồn lực đầu từ vào Chip nằm trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về Chip ngày càng sôi động trong thời gian gần đây. Không chỉ châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ đều có tuyên bố cam kết ủng hộ cho các doanh nghiệp sản xuất chip nội địa để tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Riêng đối với châu Âu, việc tăng cường nghiên cứu và phát triển, sản xuất chip đặc biệt quan trọng vì lục địa này đã giảm dần vai trò tiên phong trong nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn. Hiện nay EU chỉ chiếm 10% thị trường bán dẫn thế giới (giảm đi nhiều so với thời kỳ những năm 1990, châu Âu dẫn đầu thị trường toàn cầu với 44%). Theo thông tin từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn quốc tế thì Trung Quốc đang nắm ¼ thị trường toàn cầu, tiếp đến là Đài Loan 21%, Hàn Quốc 19%, Nhật Bản 13% và về tổng số thì khoảng 80% thị trường toàn cầu hiện giờ nằm trong tay châu Á.
Phạm Nhung