Gần 50% số tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia “hài hòa” với quốc tế và khu vực
Trong 55 năm hoạt động, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng và phát triển 9.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó 47% “hài hòa” với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, cơ quan này đang đứng trước đòi hỏi phải đổi mới để trở nên hiệu quả hơn.
Công cụ đắc lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh
Nhờ một loạt các nghị định về tiêu chuẩn và đo lường cho mặt hàng xăng dầu được ban hành trong khoảng thời gian từ năm 2012 – 2016 mà Chi cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Nai đã “vô hiệu hóa” được hiện tượng lắp IC giả ở các trạm mua bán xăng dầu. Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Sáng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất diễn ra ngày 8/7 vừa qua.
Câu chuyện của ông Phạm Văn Sáng là một trong số những minh họa cho thấy vai trò của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong việc góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh như thế nào. Trong buổi lễ kỷ niệm, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng, nhờ những tiêu chuẩn và các văn bản pháp luật do Tổng cục ban hành mà họ tránh được những tranh chấp trong giao nhận quốc tế, dễ dàng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Xuất phát điểm từ Viện Đo lường và Tiêu chuẩn trực thuộc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước từ năm 1962 với vỏn vẹn hơn 20 cán bộ, hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng đã có hơn 1.700 nhân viên, với 63 chi cục ở tất cả các tỉnh thành và 24 đơn vị trực thuộc (bao gồm các phòng thí nghiệm, kiểm thử cho đến thư viện…) với nhiệm vụ trải rộng, bao gồm từ ban hành các văn bản pháp luật, chiến lược, dự án liên quan đến ba lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho đến tổ chức thực hiện, giáo dục đào tạo, thanh kiểm tra chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Trong 55 năm qua, Tổng cục đã xây dựng và phát triển 9.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó 47% “hài hòa” với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Tổng cục đã xây dựng hệ thống chuẩn đo lường hiện đại với 22 chuẩn đo lường quốc gia và 33 thước đo CMC được quốc tế thừa nhận. Cơ quan này cũng góp phần đưa những tiêu chuẩn quốc tế áp dụng một cách phổ biến ở Việt Nam như ISO 9000, ISO 22000 và HACCAP…giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định: “Trong suốt quá trình phát triển của đất nước vừa qua và đặt trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, có thể nói TTổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng với hệ thống các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng trong cả nước đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng, là công cụ đắc lực phát triển kinh tế xã hội như đảm bảo công bằng trong các giao dịch thương mại, cung cấp và hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp, nắm bắt những nhu cầu, chuẩn mực chất lượng của thị trường trong nước và quốc tế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, vượt qua các rào cản về kỹ thuật trong thương mại”
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam Petrolimex, hoạt động tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam trong nhiều năm qua luôn đi trước thị trường một bước. Cụ thể là thị trường xăng dầu, thể hiện ở chương trình nhiên liệu sạch và nhiên liệu sinh học với các tiêu chuẩn đưa ra tương đương với các nước Châu Âu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam.
Những xu hướng không thể cưỡng lại
Dẫn ra ví dụ về hằng số Plank đã thay đổi, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong lễ kỷ niệm rằng: “Thế giới thay đổi thì chúng ta cũng phải thay đổi, kể cả những gì tưởng như là tiêu chuẩn”. Một trong số đó, là san sẻ bớt công việc cho khối tư nhân. “Chúng ta đã nói rất nhiều về huy động mọi nguồn lực của xã hội, ở tất cả mọi lĩnh vực nhưng đặc biệt ở lĩnh vực khoa học, trong đó có cả ngành tiêu chuẩn. Nhiều khi và có những việc tư nhân làm còn hiệu quả hơn nhà nước làm”.
Trên thực tế, đây cũng là xu hướng của thế giới, khi việc ban hành, đào tạo, kiểm soát các tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thực hiện chủ yếu bởi các tổ chức dân sự và doanh nghiệp tư nhân thay vì nhà nước..
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đòi hỏi hợp tác quốc tế rất lớn và tác động của nó là “ngay lập tức” tới kinh tế và thương mại. Vì vậy, Tổng cục phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế: “Không chỉ là đi dự hội nghị, tiếp khách, không chỉ tăng tỉ lệ hài hòa [giữa tiêu chuẩn Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế], tôi muốn có sự đột phá về hợp tác quốc tế mà từ đó ảnh hưởng đến hoạt động trong nước.” Kì vọng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng “chịu trách nhiệm toàn bộ về năng suất của Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Tổng cục tập trung vào Tổ chức Năng suất Châu Á (APO). “Nhất định chúng ta phải có một vai trò nòng cốt [trong tổ chức này], tạo động lực [phát triển kinh tế xã hội] tốt hơn bây giờ,” ông nhấn mạnh.