Giải đáp những câu hỏi “nóng” quanh sự cố cá chết bất thường ở khu vực 4 tỉnh miền Trung

Vấn đề cá chết bất thường và trách nhiệm liên quan của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nội dung được báo giới quan tâm hàng đầu trong cuộc họp báo thường kỳ Quý 2 của Bộ KH&CN dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Công Tạc, diễn ra vào sáng ngày 5/7.


Cuộc họp báo thường kỳ Quý 2 của Bộ KH&CN

Trong hơn hai tháng qua, Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng các bộ, ngành có liên quan đã nỗ lực xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố cá chết bất thường ở khu vực 4 tỉnh miền Trung. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, vào ngày 26/4, Bộ KH&CN đã chủ động mời các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau để cùng thảo luận để bước đầu khoanh vùng nguyên nhân dẫn đến sự cố là tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thủy văn và động lực học biển. Vào ngày 30/4, Bộ KH&CN chính thức thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN cấp quốc gia do GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm chủ tịch, gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành. Trên cơ sở phân tích mẫu lấy tại hiện trường và đối chứng kết quả thu được từ Hà Tĩnh trở vào TT- Huế, các nhà khoa học đã thu hẹp phạm vi xuống còn 2 nguyên nhân chính là tảo nở hoa (sinh học) và nguyên nhân ô nhiễm (hóa học). 
Cùng với sự hợp tác của các chuyên gia phản biện quốc tế, các nhà khoa học trong Hội đồng KH&CN quốc gia đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, có chứa các độc tố như phenol, xyanua,… kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến TT- Huế là nguyên nhân khiến hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

Về phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung sau khi đã tìm ra nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Bộ Tài nguyên môi trường đã được Chính phủ giao trọng trách này.   

Liên quan đến sự cố cá chết ở khu vực 4 tỉnh miền Trung, đại diện nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc Bộ KH&CN đã hoàn tất trách nhiệm của mình trong việc thẩm định công nghệ của công ty Formosa Hà Tĩnh hay chưa? Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, theo Luật Đầu tư ban hành năm 2005, các cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài, trong trường hợp Formosa là UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vào năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ dự án tiền khả thi của Formosa tới Bộ KH&CN để Bộ thẩm định về mặt công nghệ. Do là dự án tiền khả thi nên trong hồ sơ chỉ trình bày sơ bộ việc lựa chọn phương án công nghệ là loại lò cao truyền thống, vốn được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp luyện thép và không phải là công nghệ mới. Theo quy định của Luật Đầu tư 2005, việc lựa chọn loại công nghệ cụ thể nào tại Formosa chưa được đề cập đến trong dự án tiền khả thi. Việc thẩm định công nghệ chính thức dự án này thuộc về Bộ Công Thương.

Để tăng cường hơn nữa trách nhiệm về đánh giá và thẩm định công nghệ các dự án đầu tư tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã đề nghị bổ sung, sửa đổi một số điều trong đợt sửa đổi Luật Đầu tư năm 2015. Với đề nghị này, Bộ KH&CN có thêm trách nhiệm trong việc thẩm định các dự án có công nghệ cấm chuyển giao.

Tác giả