Góc nhìn khác về “dân tộc, đất nước, con người” của nhà khoa học tự nhiên

Trong một cuộc trao đổi thân tình với Tia Sáng, GS.TS Trần Xuân Hoài vừa cười vừa nhận xét: “Thật kỳ lạ, mình bao nhiêu năm viết báo khoa học mà số người biết đến các công trình của mình chẳng được bao nhiêu. Thế mà chỉ một bài báo thôi có rất nhiều người biết đến mình, gặp gỡ chia sẻ trong Nam ngoài Bắc…”

GS.TSKH Trần Xuân Hoài. 

“Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt” – bài báo mà GS. TS Trần Xuân Hoài nhắc đến từng đăng trên Tia Sáng từ năm 2016, dường như thuộc về một thế giới hết sức xa lạ với chuyên ngành vật lý thực nghiệm, vốn được ông gọi đùa là “nơi chúng tôi cầm mỏ hàn, gõ bàn phím”. Đây là một bài viết ngược dòng thời gian, truy tìm gốc tích tộc người Bách Việt từ thời nhà Thương (khoảng 1600-1040 TCN) và lý giải câu hỏi “Vì sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung Quốc vẫn không thể đồng hóa Việt Nam?”… với những cách “tầm chương trích cú” tìm bằng chứng công phu từ các văn bản cổ như một nhà nghiên cứu lịch sử vẫn thường áp dụng. 

Thoát khỏi “vai” nhà vật lý thực nghiệm, giáo sư Trần Xuân Hoài đã trở thành tác giả Trần Gia Ninh theo cách như thế để có thể mở rộng những vấn đề mà mình suy ngẫm trong mấy chục năm làm nghề và chứng kiến những đổi thay của xã hội đương thời. Một kiến văn rất rộng và bao quát, một lối tư duy rất mạch lạc và logic, một quan điểm rất mở và thực tế, tất cả đã tạo ra một góc nhìn khác về “dân tộc, đất nước, con người” qua những vấn đề xã hội “Lạm bàn về chuyện dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam”, “Đạo luật và đạo lý”, “Thiết kế lại cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông để học thực chất”, “Thử bàn về sự lập trình của tạo hóa”, “Ngẫu nhiên và tâm linh”… 

Ở tuổi ngoài 80, giáo sư Hoài đã chọn một ngã rẽ khác, một con đường gần gũi với văn chương hơn khoa học. Ngoài cuốn sách nhỏ này, ông còn mới xuất bản tiểu thuyết “Kim Thiếp vũ môn” được tái bản mấy lần. Nghe đâu, có người còn hào hứng muốn chuyển thể sách thành kịch bản phim vì thấy chất điện ảnh ở đó. 

Nhưng dẫu sao Trần Gia Ninh vẫn là Trần Xuân Hoài, dù có “đổi tên” hay “đổi vai”. Gốc tích của một nhà khoa học vẫn lộ rõ trong từng bài viết mà nếu tinh ý, người ta vẫn có thể nhận ra. Đó là cái tính tỉ mỉ, chi tiết và cần bằng chứng của một người làm nghiên cứu thực nghiệm, ví dụ để viết câu “từ đó nước Âu lạc nhập vào nước Nam Việt”, ông đã từng cất công sang Quảng Châu khảo sát bảo tàng Nam Việt Vương, quan sát khu lăng mộ của Triệu Mô, vua kế vị Triệu Đà, đặc biệt là đồ tạo tác, để thấy trình độ văn minh của người Việt lúc đó một cách xác thực. Vì thế, dù mang “cái mũ” là “nghiên cứu – khảo luận – phiếm đàm” nhưng các vấn đề ông đặt ra và chạm đến vaanc không tách rời tinh thần phản biện và thực chứng của khoa học. 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)