Góp phần tạo ra một số công nghệ có triển vọng ứng dụng cao

GS. TS Trương Nam Hải, Chủ nhiệm chương trình KC 04/11-15 cho rằng, với mục tiêu phát triển các công nghệ nền của công nghệ sinh học, chương trình đã góp phần tạo ra được một số công nghệ triển vọng ứng dụng cao và xây dựng được một số nhóm nghiên cứu trẻ trong 4 nội dung chính: hệ gene, công nghệ chuyển gene; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất protein và vắc xin tái tổ hợp; phát triển công nghệ vi sinh theo định hướng công nghệ sinh học; phát triển công nghệ tế bào.


GS. TS Trương Nam Hải, Chủ nhiệm chương trình KC 04/11-15

Sáng 21/6 tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo tổng kết chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học” (KC 04/11-15). Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã tới dự.

Đánh giá lại quá trình 5 năm hoạt động, GS. TS Trương Nam Hải cho rằng, chương trình đã thực hiện được 10 đề tài tiềm năng (dành cho các nhà nghiên cứu trẻ), 23 đề tài nghiên cứu chính và 3 dự án sản xuất thử nghiệm. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học này, chương trình đã đạt được ba mục tiêu đề ra: phát triển các công nghệ nền của công nghệ sinh học (ưu tiên công nghệ gene, enzym – protein), giúp các nhà khoa học nắm vững, làm chủ các công nghệ nền ở quy mô phòng thí nghiệm/quy mô pilot trước khi triển khai, mở rộng, cải tiến ở quy mô sản xuất trong điều kiện Việt Nam; tạo quy trình công nghệ, vật liệu, sản phẩm trên nền công nghiệp hiện đại phục vụ cho y tế, nông nghiệp, công nghiệp và an ninh quốc phòng; tạo được một số công nghệ triển vọng ứng dụng cao và xây dựng được một số nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trong bốn nội dung nghiên cứu chính: nghiên cứu hệ gene, công nghệ chuyển gene; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất protein và vắc xin tái tổ hợp; phát triển công nghệ vi sinh theo định hướng công nghệ sinh học; nghiên cứu và phát triển công nghệ tế bào. Trong số các đề tài và dự án đã thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2015, 100% đạt mục tiêu thứ nhất, 88,5% đạt mục tiêu thứ hai (3 đề tài chưa đạt) và 26,9% đạt mục tiêu thứ hai.

Việc làm chủ các công nghệ và quy trình công nghệ như phần mềm phân tích chức năng gene, quy trình công nghệ tạo protein, vắc xin tái tổ hợp, công nghệ tạo các chủng vi sinh vật tái tổ hợp mang gene chuyển… đã đem lại nhiều sản phẩm ứng dụng như dòng cây trồng chuyển gene có triển vọng làm vật liệu cho công tác giống, bộ kít chẩn đoán gene, bộ kít dạng que nhúng, bộ marker phân tử phục vụ nông nghiệp, y tế, dòng tế bào, chủng vi sinh có hoạt tính/chủng chuyển gene, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, enzym tái tổ hợp cho công nghiệp… Hiện tại, một số kết quả đã được ứng dụng như công nghệ nhân nhanh giống khoai tây chuyển giao tới nhiều đơn vị trong nước và Bộ KH&CN Indonesia, bộ chủng vi sinh vật sản xuất phân bón chuyển giao tới công ty cổ phần hóa chất Vinh, sản phẩm protein tái tổ hợp IL- 2 lần đầu được sản xuất ở quy mô công nghiệp tại công ty Vắc xin và sinh phẩm trung ương 1.

Lý giải nguyên nhân vì sao đã làm chủ được một số công nghệ triển vọng ứng dụng cao nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ thương mại hóa sản phẩm cao, GS. TS Trương Nam Hải cho biết, có hai vấn đề đặt ra: thứ nhất, nhà nghiên cứu vẫn còn theo đuổi những đề tài mang tính hàn lâm mà chưa quan tâm đến những vấn đề của thực tiễn xã hội; thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, hoặc nếu có ý định tìm công nghệ mới thì vấp phải vấn đề về kinh phí đầu tư. Đây cũng là lý do khiến ban chủ nhiệm chương trình dù rất muốn nâng cao số lượng dự án sản xuất thử nghiệm – công đoạn quan trọng để đưa sản phẩm nghiên cứu từ đề tài vào sản xuất ở quy mô công nghiệp – nhưng gặp phải khó khăn về vốn đối ứng. Ngay cả ba dự án sản xuất thử nghiệm đều có vốn đối ứng nhưng chưa có kinh nghiệm trong chuẩn bị chứng từ tài chính, dẫn đến việc gặp khó khăn trong giải trình thanh quyết toán, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện…

Việc khó thương mại hóa sản phẩm của chương trình KC 04/11-15 còn liên quan đến một số yếu tố khác như việc đề xuất nhiệm vụ còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các nhà khoa học, trường viện nghiên cứu; hội đồng đánh giá nghiệm thu chưa đòi hỏi tiêu chí chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế nên khó phát triển sản phẩm của đề tài thành sản phẩm thương mại; việc lựa chọn, thẩm định đề xuất còn chưa chú trọng đến tính kế tiếp, khả năng phát triển hay hoàn thiện sản phẩm, đến năng lực của chủ trì đề tài…

Việc đánh giá kết quả khoa học của các đề tài được ban chủ nhiệm chương trình KC 04/11-15 dựa vào 8 tiêu chí: 1, Tính mới và có giá trị với Việt Nam (hướng nghiên cứu, quan điểm, cách tiếp cận, lý thuyết, phương pháp, tri thức); 2. Bài báo quốc tế, 3. Bài báo trong nước; 4. Bài tham luận hội thảo quốc tế; 5. Bài tham luận hội nghị trong nước; 6. Đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận; 7. Sở hữu trí tuệ được cấp bằng; 8. Tham gia đào tạo sau đại học.
Trong số các tiêu chí này, đáng chú ý chương trình KC 04/11-15 đã có 19 bài báo quốc tế, chiếm tỷ lệ 25% các bài báo khoa học từ các nhiệm vụ của chương trình; tham gia đào tạo sau đại học cho 66 cán bộ, trong đó 22 tiến sỹ. Từ công tác đào tạo, chương trình còn xây dựng được từ 7 đến 10 nhóm nghiên cứu trẻ có khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)