GS.TS Đinh Trúc Nam nói chuyện với sinh viên về an toàn năng lượng hạt nhân
Nhân chuyến thăm và làm việc với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, GS.TS Đinh Trúc Nam đã có buổi trò chuyện với sinh viên, nghiên cứu sinh ngành năng lượng hạt nhân tại ĐH Bách khoa, Hà Nội, sáng 6/3.
Vị chuyên gia có uy tín quốc tế về an toàn năng lượng hạt nhân ví von, nếu công nghệ hạt nhân như chiếc xe ô tô thì những người vận hành nhà máy điện hạt nhân là người lái xe và hệ thống pháp quy chính là luật giao thông. Đó là lý do tại sao vấn đề an toàn hạt nhân không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc rất nhiều vào những con người sử dụng công nghệ và hệ thống pháp quy.
Về vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng hạt nhân, ông chia sẻ, “vì ngành này liên quan đến an toàn năng lượng quốc gia nên các nước như Nga, Mỹ đều có kế hoạch đào tạo nhất định được nhà nước đầu tư để chuẩn bị nhân lực”. Theo ông, đằng sau ngành năng lượng hạt nhân là cơ sở kiến thức khoa học rộng lớn vì vậy chuẩn bị nhân lực cho ngành này cũng không nằm ngoài việc củng cố nền tảng các ngành nghiên cứu cơ bản.
Mặc dù không trả lời được câu hỏi “người Việt Nam chưa có tác phong công nghiệp chuẩn mực, vậy khi theo đuổi năng lượng hạt nhân sẽ nảy sinh những vấn đề gì khác với các nước khác” mà một sinh viên nêu ra, nhưng ông cho rằng thế hệ trẻ như tờ giấy trắng, lại được tiếp thu văn hóa mới, nên “một khi các bạn nhìn nhận ra được vấn đề thuộc về tác phong của mình thì nhất định các bạn sẽ giải quyết được vấn đề ấy”.
GS Đinh Trúc Nam sinh năm 1964 tại Hà Nội, học ngành Vật lý năng lượng hạt nhân tại Nga. Ông kể, năm 1986, theo kế hoạch, ông được cử đến thực tập ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl vào thời điểm một tuần trước khi xảy ra sự cố ở nhà máy nhưng sau đó bất ngờ được chuyển sang thực tập ở một địa điểm khác, và có lẽ đó là khởi đầu cho mối quan tâm của ông đối với lĩnh vực an toàn năng lượng hạt nhân. Từng có thời gian làm cố vấn cố vấn cấp cao cho chính phủ Thụy Điển về an toàn năng lượng hạt nhân, GS Nam hiện làm việc tại Khoa Công nghệ hạt nhân (Nuclear Engineering) tại ĐH North Carolina, Mỹ. Ông cho biết đang tham gia một nghiên cứu do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu đặt hàng nhằm mô phỏng và tính toán các vấn đề công nghệ có thể xảy ra đối với các lò phản ứng hạt nhân.