Hàn Quốc: Doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong phát triển KH&CN
Sau hơn 40 năm tham gia vào tiến trình phát triển KH&CN, ngày nay khu vực tư nhân của Hàn Quốc đã thay thế khu vực công nắm vai trò chủ đạo.
Tại buổi thuyết trình do Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia tổ chức, GS Kim cho biết, trong vòng 200 năm qua, cứ khoảng 50 năm, Hàn Quốc lại có biến đổi lớn, đưa nước này từ xã hội nông nghiệp tiến lên xã hội công nghiệp, xã hội thông tin và giờ đây là xã hội tri thức. Theo GS Kim, những biến đổi đó luôn gắn liền với vai trò của KH&CN, đặc biệt kể từ những năm 1960.
Mặc dù không muốn đề cập tính chính trị trong một bài thuyết trình về sự phát triển của KH&CN nhưng GS Kim cho rằng không thể không nhắc đến vai trò của Tổng thống Park Chung Hee, người đã trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) vào năm 1966. Cùng với sự ra đời của Viện KH&CN tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) sau đó, đây là thời kỳ chính phủ Hàn Quốc giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển KH&CN. Tuy nhiên vai trò này đã dần được chia sẻ với sự tham gia của khu vực tư nhân kể từ giai đoạn 1972-1980 khi các tập đoàn lớn như HYUNDAI, SAMSUNG… ra đời. Đến giai đoạn 1980-1987, khu vực tư nhân trở thành đối tác chính của chính phủ trong phát triển KH&CN; và từ năm 1987 thì bắt đầu thật sự giữ vai trò dẫn dắt. Vai trò của khu vực tư nhân trong tiến trình phát triển KH&CN ở Hàn Quốc thể hiện rõ nhất qua việc tăng ngoạn mục tỷ lệ đầu tư cho R&D so với khu vực công, trong đó giai đoạn 1980-1985 có thể coi là giai đoạn bước ngoặt khi tỷ lệ này từ 36:64 tăng vọt lên 75:25 và được duy trì đến tận ngày nay. Cũng có đến 78% các nhà nghiên cứu làm việc trong các tổ chức nghiên cứu thuộc doanh nghiệp (con số năm 2012).
GS Kim cũng cho biết, cứ năm năm, chính phủ Hàn Quốc lại thay đổi một lần nhưng ngoài các chính sách trong khuôn khổ mỗi nhiệm kỳ, nước này luôn có các kế hoạch 10 năm, 15 năm, 25 năm, thậm chí 30 năm về phát triển KH&CN. Gần đây nhất là kế hoạch “Những giấc mơ và thách thức của Hàn Quốc – Triển vọng tương lai của KH&CN 2010-2040.” Để xây dựng những kế hoạch tổng thế lớn như vậy thường có sự tham gia của 400-500 nhà khoa học.
Chiến lược phát triển KH&CN của Hàn Quốc, theo GS Kim, có thể tóm gọn trong mấy chữ: Từ văn hóa bắt chước chuyển sang văn hóa sáng tạo, từ đầu tư cho trang thiết bị chuyển sang đầu tư cho R&D, từ nhà nước giữ vai trò chủ đạo chuyển sang hệ thống cạnh tranh nhiều thành phần.
Một điều mà GS Kim cũng nhấn mạnh, đó là tiến trình phát triển kinh tế-xã hội với vai trò to lớn của KH&CN luôn đi đôi với tiến trình dân chủ mạnh mẽ ở nước này.
Hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ năm thế giới về tỷ lệ đầu tư cho R&D tính trên GDP (4,5%, tương đương khoảng 55 tỷ USD/năm) với đội ngũ 320 nghìn nhà khoa học và kỹ sư.
Chính sách KH&CN của Hàn Quốc qua các thời kỳ:
Những năm 1960: Xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển KH&CN; Những năm 1970: Thúc đẩy tăng trưởng bằng cách nội địa hóa các công nghệ nhập khẩu; Những năm 1980: Phát triển bền vững, theo đuổi các tiến bộ khoa học; Những năm 1990: Cải tổ hệ thống R&D ở cấp quốc gia; Những năm 2000: Tăng cường vai trò của KH&CN để nâng cao chất lượng sống. |