Hàng rào tổ ong chống lại voi rừng
Sự hồi sinh của các đàn voi ở Kenya là một câu chuyện thần kỳ về bảo tồn thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng là vấn đề nhức đầu cho nông dân đất nước này. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một đồng minh mới trong nỗ lực bảo vệ mùa màng trước sự tàn phá của voi: ong mật.
“Nông dân trong vùng đang rất cần một giải pháp”, theo lời nhà sinh vật học Lucy King của Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu về hàng rào tổ ong được công bố ngày 05 tháng 7 trên tạp chí African Journal of Ecology. “Họ hầu như không nhận được trợ giúp từ ai khác. Vì vậy, họ rất hào hứng với ý tưởng kỳ quặc mới này”.
Những đàn voi ở Kenya bị tàn sát nghiêm trọng do nạn săn trộm từ thập kỷ 1970 tới thập kỷ 1980. Nhưng tới năm 1989, Hiệp định của Liên Hợp quốc về Thương mại Quốc tế đối với các loài bị đe dọa đã nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán ngà voi, và kể từ đó số lượng voi ở Kenya đã gần như tăng gấp đôi. Tuy nhiên, dân số quốc gia này cũng trong thời gian đó còn tăng nhanh hơn, từ 12 triệu người vào năm 1970 lên gần 40 triệu người vào hiện nay. Đất hoang dã ngày một hiếm hơn, và vấn đề sống còn cho các đàn voi là làm sao di trú an toàn giữa các khu bảo tồn.
“[Những con voi] đang trở lại với chúng ta trong một thế giới có quá đông con người”, King nói. “Chúng vấp phải những công trình xây dựng, đường sá, trường học, và các cánh đồng trên đường di trú”.
Và khi voi gặp các cánh đồng, chúng sẽ ăn hoa màu và xéo nát, khiến tình hình trở nên nguy hiểm. Voi thường rời các thửa ruộng cùng những vết giáo đâm, đạn bắn. Mỗi năm có khoảng một tá người và vài chục voi bị chết trong những cuộc chạm trán trên cánh đồng buổi đêm. Và tới nay, các hàng rào bảo vệ ruộng không mấy hiệu quả.
“Tất cả mọi nỗ lực trước đây, như trồng hàng rào bằng cây ớt, hay trồng cây gai, đều không đạt kết quả mong muốn”, nhận xét từ nhà sinh học bảo tồn Dave Balfour, người nghiên cứu rất kỹ về những con voi ở khu bảo tồn Hluhluwe-Imfolozi Game Reserve.
Người ta nhận ra rằng voi không động đến những cây keo, loại thức ăn thông thường của chúng, nếu trên thân cây có tổ ong. Vì vậy, trong một chuỗi thí nghiệm trước đây, King cho bật lên âm thanh ghi lại từ các bầy ong và đem đến gần những con voi. Những con vật này bỏ chạy khỏi âm thanh này, đồng thời còn rú gọi cảnh báo những con khác. Đây chính là nguồn gốc cho ý tưởng làm hàng rào tổ ong của cô.
Để kiểm tra xem liệu ong có thể giúp được nông dân, King và các cộng sự từ tổ chức Save the Elephants đã chọn một khu vực từng xảy ra những cuộc đụng độ giữa voi và người. Khu ruộng này canh tác bởi cộng đồng Turkana, một bộ lạc mới chuyển đến vùng này từ 30 năm nay. Trước đó khu vực này hoàn toàn hoang dã, là nơi các đàn voi có thể di trú qua lại một cách an toàn.
Các nhà khoa học và những người nông dân tạo ra những hàng rào tổ ong để bảo vệ các khoảnh ruộng, và nhận ra rằng những con ong bé nhỏ giúp đỡ họ rất hiệu quả. Trong hai năm theo dõi, trải qua 45 lần các đàn voi định xông vào các thửa ruộng, 31 lần chúng thành công đều là ở những thửa dùng hàng rào gai thông thường, và chỉ duy nhất một lần có một con voi – một con đực rất lì lợm – vượt qua được hàng rào tổ ong.
“Mọi người đều ngạc nhiên về hiệu quả của thử nghiệm mới”, King nói. Hàng rào tổ ong thậm chí còn mang lại một nguồn lợi mới – thêm thu nhập từ mật ong. Trung bình mỗi nông dân ở vùng này sống rất chật vật với thu nhập khoảng 20 tới 30 USD mỗi tháng. Vì vậy, nguồn thu khoảng 15-20 USD trong vài tháng một lần giúp nông dân mua thêm được đồ đạc mới, như quần áo mới, hay một túi ngô hoặc đường to. Với nguồn lợi tài chính như vậy, nông dân chăm sóc hàng rào tổ ong rất kỹ càng.
“Có lẽ đây là điều giúp duy trì dự án này”, King nói. Nhóm nghiên cứu gần đây còn phát hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn dựng hàng rào tổ ong cho những nông dân quan tâm.
“Đây là một trong những dự án thành công nhất mà chúng tôi được biết gần đây trong việc kiểm soát voi ngoài đất trống”, Balfour nói.