Hi vọng không bao giờ bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa

“Tất cả những gì quý vị hình dung là có thể cải cách đối với chữ Quốc ngữ thì những người đi trước, Tây có ta có, đã bàn nát nước rồi mà đến nay chẳng có cải cách nào được thực hiện cả”.

 



Trang đầu của từ điển Việt – Bồ – La do Alexandre de Rhodes xây dựng.



Đó là ý kiến tổng kết của GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về lược sử cải cách chữ Quốc ngữ ở Việt Nam trong tọa đàm “Kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ lên ngôi trên phạm vi toàn quốc” tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, ngày 28/9/2019.

Trong năm qua, dư luận đã chứng kiến đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền gây “sóng gió” trong giới ngôn ngữ học và dư luận xã hội. Nhưng trên thực tế, đây không phải là lần duy nhất. Trong hơn 100 năm qua nhiều hội nghị ngôn ngữ ở miền Bắc và miền Nam đã bàn bạc vấn đề này nhưng vẫn không có những thay đổi nào đáng kể. Ví dụ về những lần hô hào cải cách đáng chú ý nhất là những năm 1960, Ủy ban Khoa học nhà nước tổ chức hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ, các nhà nghiên cứu trong đó có GS Hoàng Phê đề nghị cải tiến như: dùng F thay PH, D thay Đ, Z thay GI; dùng K thay C, Q… chỉ dừng ở các đề nghị mà không đi vào thực tế. Lùi về lịch sử, từ thời Pháp, năm 1902, Ủy ban cải cách chữ quốc ngữ thuộc Hội nghiên cứu Viễn đông đề nghị thay đổi: Ả bằng A’ , thay Y bằng I trong một số trường hợp, C thay cho CH, thay K vào C, D/GI thay bằng Z, GI và J… nhưng sau một hồi tranh luận đã phải dừng lại. 

Sở dĩ có nhiều đề xuất như vậy vì xuất phát từ đặc điểm ban đầu của chữ Quốc ngữ là ghi âm chứ không ghi ý. Chữ ghi âm bao giờ cũng có bất cập, ví dụ như “da” và “gia” nghĩa khác nhau nhưng có phát âm giống nhau; cùng một âm nhưng được ghi bằng những con chữ khác nhau – 3 chữ cái “c”, “k” và “q” đều được dùng để ghi âm /k/, chữ “y” và “i” đều được dùng để ghi âm /i/. Tuy nhiên, theo thời gian sử dụng, chữ Quốc ngữ đã chuyển tải ý nghĩa, vẫn đang thực hiện tốt chức năng là chữ viết thống nhất của nước Việt Nam. Chữ Quốc ngữ đang ổn định, được cả cộng đồng chấp nhận và sử dụng một cách tự nhiên và phổ cập. Do đó, việc đề xuất thay đổi sẽ tạo ra sự đảo lộn từ giáo dục, đào tạo, thực hành văn bản, và gây tốn kém khủng khiếp.

“Vậy thì từ nay xin đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng thì chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả”, GS Nguyễn Văn Hiệp đề nghị. Vấn đề chuẩn hóa chính tả (quy chuẩn cách viết chưa thống nhất như “i” hoặc “y”, vị trí đánh dấu), cách viết tên riêng gốc tiếng nước ngoài (để nguyên dạng, phiên âm hay chuyển tự)… đang là vấn đề được giới ngôn ngữ quan tâm và cần thiết cho việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho máy đọc.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)