Hiện trạng và giải pháp phát triển vật lý đến 2020
Ngày 21/10, Bộ Khoa học Công nghệ cùng Hội Vật lý Việt Nam tổ chức hội thảo “Hiện trạng và giải pháp phát triển Vật lý đến 2020” nhằm phân tích một số khó khăn của ngành vật lý Việt Nam và đề ra 5 nhóm giải pháp lớn.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Nguyễn Kim Dung đưa ra báo cáo về thực trạng công tác giảng dạy và nghiên cứu vật lý trong các trường Đại học, rút ra từ số liệu của 18 trường Đại học và một số thông tin hạn chế của hai trường Đại học Quốc gia. Theo đó, trong 5 năm tới, hơn 50% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ sẽ về hưu; hiện nay phần lớn các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ được đưa vào giảng dạy cách đây 20-30 năm và hơn 1/5 số phòng thí nghiệm đã lạc hậu.
Trong buổi hội thảo, Ban soạn thảo chương trình Vật lý 2020 đề xuất 5 nhóm giải pháp lớn để phát triển ngành Vật lý Việt Nam trong 6 năm tới bao gồm: nội dung về định hướng nghiên cứu ưu tiên lĩnh vực vật lý đến 2020, giải pháp về đào tạo và thu hút nhân lực ngành vật lý, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm lĩnh vực vật lý, giải pháp về tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế. Trong đó, các định hướng nghiên cứu ưu tiên vẫn giữ nguyên như trong buổi hội thảo ngày 11/9 vừa qua.
GS. Nguyễn Đức Chiến, chủ nhiệm đề tài “Chiến lược phát triển Vật lý Việt Nam đến năm 2020” đã đưa ra một số giải pháp cho những vấn đề cụ thể và phù hợp với ngân sách hạn chế chi cho khoa học công nghệ. Rút ra từ kinh nghiệm của Đại học Bách Khoa, ông cho biết, để thu hút các em học sinh giỏi vào các trường Đại học để nghiên cứu thì có thể sử dụng hình thức học bổng (vài triệu/năm); tiết kiệm ngân sách bằng cách đầu tư dựa trên các cơ sở nghiên cứu mạnh kết hợp với phương thức quản lý mới và nghiên cứu cơ bản cần gắn liền với nhiệm vụ của doanh nghiệp.