Hỗ trợ tài chính thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia

Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc Dự án KH&CN hoặc Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Ông Đỗ Văn Lộc, Giám đốc Điều phối các chương trình quốc gia, cho biết như trên tại Hội nghị công bố danh mục sản phẩm quốc gia do Bộ KH&CN tổ chức mới đây.

Theo ông Lộc, nguồn tài chính thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 sẽ lấy từ Ngân sách nhà nước (kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp KH&CN, kinh phí sự nghiệp kinh tế, vốn ODA, viện trợ nước ngoài), vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại, kinh phí từ các doanh nghiệp, các quỹ và các nguồn hợp pháp khác.

Mức hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước đối với dự án sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ được duyệt tối đa đến 50% tổng mức kinh phí đầu tư (không bao gồm giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư) thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ sản phẩm quốc gia.

Hỗ trợ tối đa đến 70% tổng mức kinh phí đầu tư để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Về hoạt động chuyển giao công nghệ, đối với các sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng, sản phẩm đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin, sản phẩm văc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi, lúa gạo Việt Nam chất lượng cao sẽ được Ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN hỗ trợ tối đa đến 50%, phần kinh phí còn lại được huy động từ các quỹ, các nguồn khác.

Đối với sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng, sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải, sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn, sản phẩm nấm văn và nấm dược liệu, sản phẩm vi mạch điện tử sẽ được ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN và các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50%, phần kinh phí còn lại được huy động từ các nguồn khác.

Còn với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia, hỗ trợ tối đa đến 50% công lao động theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cán bộ khoa học, nhân viên kỹ thuật trực tiếp thực hiện nội dung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ, giải pháp KH&CN, xây dựng các phần mềm máy tính; thử nghiệm, phân tích, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm đến khi hoàn thành sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ tối đa đến 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm, phân tích theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình thử nghiệm và sản xuất sản phẩm lô số không của dây chuyền công nghệ, đối với các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Sáu sản phẩm chính trong danh mục quốc gia gồm: lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; thiết bị siêu trường, siêu trọng; sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải, sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi; sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng.

Ba sản phẩm dự bị là cá da trơn Việt Nam chất lượng cao; nấm ăn và nấm dược liệu; vi mạch điện tử.

Tác giả