Hội nghị các nhà KH trẻ toàn quốc: Cơ hội hợp tác liên ngành cho các nhà khoa học trẻ

Diễn ra vào ngày 22/3/2018 tại Hà Nội, hội nghị các nhà khoa học trẻ toàn quốc trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và công nghệ “Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” đã góp phần tạo ra một không gian học thuật cho các nhà khoa học mới ở giai đoạn đầu sự nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khoa học và phát triển.

Ít kinh nghiệm nghiên cứu và không có nhiều cơ hội trình bày các đề tài tại những hội nghị khoa học lớn nên các nhà khoa học trẻ cần được tập dượt và làm quen với môi trường học thuật để trưởng thành. Nắm bắt được vấn đề này, kể từ năm 2010, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) đã đứng ra tổ chức hội nghị các nhà Khoa học trẻ trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Công nghệ. Ở hội nghị được tổ chức thường kỳ này, các nhà khoa học trẻ có cơ hội được báo cáo những kết quả nghiên cứu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trên toàn quốc cũng như nhận được sự tư vấn, định hướng từ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Thông qua trao đổi học thuật, họ có thể tìm được những người cùng có những mối quan tâm chung để cùng nhau giải quyết các ý tưởng khoa học liên quan đến rất nhiều lĩnh vực chuyên ngành, dù mới ở dạng tiềm năng. PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (ĐH Khoa học tự nhiên) – một thành viên trong ban tổ chức hội nghị năm nay nhận xét, đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để góp phần hình thành nên các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường trong tương lai. Một lợi ích khác là khi hình thành nhóm nghiên cứu như vậy, họ có thể cùng nhau nghiên cứu những vấn đề liên ngành, vốn không chỉ dễ được các tạp chí chuyên ngành quan tâm hơn mà còn có thể dễ dẫn đến khả năng ứng dụng trong thực tế.

Với những lợi ích thiết thực mà hội nghị đem lại, qua mỗi lần tổ chức, số lượng các nhà khoa học trẻ đăng ký và gửi báo cáo khoa học càng tăng lên. Năm nay, hội nghị lần lần thứ tư nhận được 200 công trình của các tác giả tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn ở Hà Nội như ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Kỹ thuật Hóa học… và nhiều địa phương khác như Viện tài nguyên và môi trường Hải Phòng, ĐH Cần Thơ, ĐH Thái Nguyên… TS. Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên) nhận xét, anh rất bất ngờ vì “số lượng tham gia hội nghị lại đông đến vậy” và chất lượng của 4 báo cáo trong phiên toàn thể đều ở mức khá cao, “thể hiện sự nghiêm túc và cố gắng của tác giả trong giải quyết vấn đề” và “tác giả đủ uy tín để có thể mời được các nhà nghiên cứu nước ngoài tham gia”.

Một trong những yếu tố để đem lại chất lượng của hội nghị năm nay là công tác tổ chức, chuẩn bị đã được hướng theo những tiêu chí của một hội nghị khoa học. Thay vì chủ đề tự do như các lần tổ chức trước đây, lần đầu tiên hội nghị tập trung vào một chủ đề cụ thể, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các báo cáo gửi đến hội nghị đều phải trải qua một quy trình phản biện nghiêm túc để chọn ra 4 báo cáo ở phiên toàn thể và 20 báo cáo ở 2 tiểu ban: (1) Khoa học, công nghệ vật liệu và năng lượng với vấn đề Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững và (2) Các khoa học liên ngành với phát triển bền vững.

Cũng như ở nhiều hội nghị khoa học lớn, những báo cáo có chất lượng chuyên môn và vượt được qua vòng phản biện đều có cơ hội xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành. Năm nay, do danh mục các tạp chí chuyên ngành trong nước cũng được mở rộng nên các báo cáo này sẽ nhiều khả năng được công bố trên các tạp chí có bình duyệt của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam như Tạp chí Hóa học, Tạp chí Sinh học, Tạp chí các Khoa học trái đất. ..

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)