Hội nghị KH&CN hạt nhân trẻ: Tăng cường năng lực nghiên cứu của cán bộ trẻ
Ở lần thứ 5 diễn ra, hội nghị KH&CN hạt nhân trẻ do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức hướng đến mục tiêu tạo cơ hội trao đổi thông tin và chủ đề nghiên cứu cho các cán bộ trẻ, qua đó góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu của họ ngay ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp.
Sản xuất đồng vị phóng xạ ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Nguồn: Báo Công thương
Để thực hiện mục tiêu này, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã cố gắng tạo dựng sự nghiêm túc cho hội thảo ngay từ khâu chuẩn bị như với các hội nghị chuyên ngành chính: các báo cáo tham gia đều phải trải qua quá trình xét duyệt, phản biện của Hội đồng khoa học và các chuyên gia trong từng lĩnh vực đánh giá, sau đó được tiếp tục được phân loại ở mức oral (trình bày trực tiếp) hay poster (báo cáo dán bảng). TS. Phạm Ngọc Đồng, Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện NLNTVN) – một thành viên ban tổ chức hội nghị cho biết, trước khi trải qua hơn một tháng xét duyệt này, các báo cáo đã được triển khai đánh giá ở từng đơn vị – trong các seminar tại các đơn vị. Sau mỗi lần trình duyệt như vậy, các báo cáo lại được góp ý chỉnh sửa để có chất lượng tốt hơn.Anh nhấn mạnh đến yêu cầu về chất lượng của hội nghị mà Viện NLNTVN vẫn cố gắng giữ vững: “Không thể vì mục đích khuyến khích nhà khoa học trẻ nghiên cứu mà‘dễ dãi’ trong xét duyệt, thậm chí nhiều báo cáo không đạt vẫn bị loại”.
Có một điều dễ nhận thấy ở hội nghị lần này là trong tổng số 63báo cáo (38 báo cáo oral, 21 báo cáo poster), phần lớn các báo cáo đãchuyển hướng tập trung nhiều vào lĩnh vực vật lý hạt nhân cũng như các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như y tế, kinh tế xã hội… Lý giải về sự thay đổi này, TS Phạm Đức Khuê, Viện phó Viện KH&KT hạt nhân (Viện NLNTVN) cho biết, đây cũng là một xu hướng cần khuyến khích vì trên thực tế, các kỹ thuật hạt nhân có rất nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như kiểm soát dịch bệnh, sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị trong y tế, chống xói mòn đất trong lĩnh vực nghiên cứu thổ nhưỡng, đất đai, kiểm tra không phá hủy các công trình thủy điện, dò tìm mỏ dầu khí… Việc hướng đến các ứng dụng này của các nhà nghiên cứu trẻ có thể cũng góp phần đẩy mạnh hơn nữa các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong tương lai. TS. Trần Minh Quỳnh – Phó giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Viện NLNTVN) cũng đồng thuận với quan điểm này: “Tôi nghĩ đây là một yếu tố tích cực bởi nó sẽ huy động được nhiều người trong các lĩnh vực cùng tham gia, qua đó góp phần tăng cường khả năng làm việc nhóm của các nhà nghiên cứu trẻ.”
Tuy chưa có các đánh giá chung về chất lượng và triển vọng đầu tư thêm thành những nghiên cứu dài hơi từ các báo cáo của hội nghị nhưng theo đánh giá của các nhà tổ chức, trong số các báo cáo năm nay, đáng chú ý có hai báo cáo được trình bày trong phiên toàn thể của hội nghị: “Nghiên cứu về nồng độ 210Pb trong sol khí ở Hà Nội” của ThS. Dương Đức Thắng (Viện KH&KT hạt nhân) và “Nghiên cứu chế tạo hydrogel từ gelatin cá bằng phương pháp chiếu xạ EB ứng dụng làm vật liệu y sinh” của ThS. Nguyễn Thành Được (Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ), đặc biệt nghiên cứu chế tạo hydrogel từ gelatin cá – đề tài hợp tác với Viện Hóa bức xạ Takasaki (Nhật Bản) được đánh giá có nhiều tiềm năng ứng dụng trong y tế như cấy ghép da hay nuôi cấy tế bào. ThS Được – tác giả báo cáo cũng chia sẻ, hiện Viện Hóa bức xạ Takasaki cũng bắt đầu triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu này.
Những tín hiệu tích cực như thế, dù chưa nhiều, nhưng cũng có sức lan tỏa trong đội ngũ các cán bộ trẻ mới ở chặng đầu con đường nghiên cứu. TS Phạm Đức Khuê cho biết, nếu nếu tiếp tục đào sâu thêm vấn đề thì từ một số báo cáo của hội nghị cũng có thểcó công bố quốc tế. Ngoàimột phần nội dung đã được công bố quốc tế trước, một số báo cáo thuộc lĩnh vực vật lý hạt nhân cũng có nhiều tiềm năng xuất hiện trên một số tạp chí chuyên ngành. Để thúc đẩy xu thế này, ban tổ chức hội nghị đã khuyến khích trình bày báo cáo bằng tiếng Anh – tuy nhiên số lượng này ở hội nghị mới chỉ được gần 1/3.