Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội

Hội nghị vật lý toàn quốc lần thứ VII khai mạc sáng nay tại Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tham dự của Phó thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong và các đại biểu của Hội vật lý Việt Nam. Các vấn đề được đề cập tới trong Hội nghị: Dự thảo Chiến lược phát triển vật lý Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Giảng dạy vật lý và chuyên vật lý bậc trung học; Giảng dạy vật lý và cử nhân tài năng ở bậc đại học; Xây dựng mạng lưới các trung tâm nghiên cứu vật lý xuất sắc.

GS Nguyễn Văn Hiệu trình bày tóm tắt nội dung của Dự thảo Chiến lược trong đó nêu rõ tính từ Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ I diễn ra cách đây 40 năm, ngành vật lý Việt Nam đã đạt được nhiều thành thành tựu nhưng hiện đang phải đang đối mặt với những thách thức, cụ thể như đào tạo nguồn nhân lực mới cho ngành vật lý nhằm duy trì tiềm lực của ngành; nâng cao chất lượng nghiên cứu để có thể tham gia giải quyết những vấn đề khoa học của quốc gia và quốc tế; tạo lập và củng cố quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế cũng như các mối hợp tác liên ngành để tiến hành những hướng nghiên cứu mới.

Dự thảo Chiến lược nêu rõ phương hướng phát triển của ngành vật lý trong thời gian tới gồm các điểm sau: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và nhân tài; Nâng cao năng lực làm chủ thiên nhiên; Ứng dụng những thành tựu mới của vật lý vào sản xuất và đời sống; Nghiên cứu theo một số hướng vật lý hiện đại có chọn lọc và phát triển một số lĩnh vực khoa học đa ngành có liên quan (khoa học vật liệu, vật lý tính toán, khoa học và kỹ thuật hạt nhân, vật lý y học).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ những thách thức mà ngành vật lý đang gặp phải. Ông Nhân cho rằng, ngành vật lý cũng có những nét tương đồng như ngành toán học: có tiềm năng nhưng phát triển không bền vững do đội ngũ làm vật lý chuyên nghiệp không đủ cho nhu cầu phát triển trong tương lai; có khoảng cách lớn giữa các lớp nhà khoa học đã đến tuổi về hưu và những nhà khoa học trẻ. 

Về dự thảo chiến lược, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: 
– Cần nêu rõ nguồn kinh phí cho chiến lược phát triển, trong đó nêu rõ cần sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước như thế nào. Nhà nước chủ trương đầu tư ban đầu liên tục trong một thời gian với một ngân sách nhất định nhưng về lâu dài bằng các kết quả trong  nghiên cứu, ngành vật lý sẽ tạo ra những nguồn tài chính để phát triển hơn nữa các hoạt động của ngành. 
– Về hoạt động đào tạo vật lý ở các trường đại học, có thể sẽ không đào tạo theo số đông, chú trọng hơn về chất lượng. Phải xác định được số lượng người làm vật lý chuyên nghiệp (cả nghiên cứu và giảng dạy) cần có để duy trì tiềm lực của ngành. Để thu hút được giới trẻ vào ngành này, phải chỉ ra được đầu ra của những người theo học vật lý. Giảng dạy vật lý ở phổ thông cần phải đảm bảo nội dung cơ bản, hiện đại nhưng không quá tải. 
– Về quan hệ hợp tác quốc tế, cần phải xác định được các đối tác chiến lược. 

Tóm lại, Phó Thủ tướng cho rằng, Dự thảo Chiến lược cần phải có những con số cụ thể để có thể hình dung được thực trạng của ngành vật lý và quy mô phát triển mà cộng đồng vật lý Việt Nam muốn hướng tới. Căn cứ vào đó, Nhà nước sẽ có những hỗ trợ để đưa ngành vật lý Việt Nam bước sang giai đoạn mới. 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong nhấn mạnh tới yêu cầu các ngành khoa học cần phải đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước bằng cách giúp các doanh nghiệp trong nước giải quyết các bài toán công nghệ. Về ngân sách cho chiến lược phát triển vật lý giai đoạn 2010-2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đưa ra con số ước tính của cá nhân ông là không dưới 300 triệu USD, một so sánh mà ông đưa ra là riêng chương trình quốc gia về Công nghệ Vũ trụ từ nay tới năm 2017 cần tới 350 triệu USD. 

Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ VII sẽ tiếp tục kéo dài tới ngày 12/11 với các Hội nghị toàn quốc và quốc tế chuyên ngành.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)