Hội thảo sửa đổi, bổ sung Luật chuyển giao công nghệ

Hội thảo về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ do Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chủ trì, diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 29/3 không chỉ dừng lại ở việc đóng góp ý kiến sửa đổi Luật mà còn nêu ra những phân tích, đánh giá về tình hình chuyển giao công nghệ trong nước.

Tại hội thảo, thay mặt tổ biên tập sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá và thẩm định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, quan điểm của tổ biên tập là tập trung vào giải quyết 5 vấn đề chính mà quá trình thực thi Luật Chuyển giao công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số quy định của Luật không còn phù hợp với hệ thống luật liên quan cũng như không còn phù hợp với tình hình phát triển của hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là các vấn đề: sửa đổi, bổ sung các quy định về phát triển thị trường chuyển giao công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về ứng dụng và đổi mới công nghệ; chỉnh sửa, bổ sung các quy định về chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước; sửa đổi, bổ sung  các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động về chuyển giao công nghệ; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động chuyển giao công nghệ.

Doanh nghiệp chưa mặn mà với kết quả nghiên cứu trong nước

Nhấn mạnh đến vấn đề thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu được đề cập ở Điều 40 của Luật chuyển giao công nghệ, TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hiệp hội Khoa học Việt Nam, cho rằng, từ trước đến nay đây vẫn là vấn đề nan giải bởi một đề án tốt thường ít có điều kiện triển khai chuyển giao cho doanh nghiệp do không có điều kiện đầu tư sản xuất thử nghiệm trên quy mô lớn hơn phòng thí nghiệm. Vì vậy, phần lớn những đề án như thế này vẫn được kết thúc ở khâu nghiệm thu tại các hội đồng khoa học. Ở Việt Nam, từ ý tưởng khoa học đến thương mại hóa cần phải mất tới 10 năm. Vì vậy việc sửa đổi Luật lần này, ban soạn thảo cần chú ý đưa vào những ràng buộc, hoặc sau đó hướng đến ban hành những chế tài, thông tư hướng dẫn để thực thi tốt việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Từng có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại trường ĐH Bách Khoa TPHCM và sau đó là 10 năm làm việc cho doanh nghiệp, PGS. TS Phạm Xuân Mai, đại diện công ty ô tô Trường Hải, lý giải nguyên nhân vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đón nhận kết quả nghiên cứu từ trường/viện là “công nghệ được chuyển giao từ nhà sản xuất chuyên nghiệp sẽ khác hoàn toàn với công nghệ được chuyển giao từ nhà nghiên cứu”. Hơn nữa, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của trường/viện vào doanh nghiệp đòi hỏi mất thời gian thử nghiệm khoảng 5, 7 năm, và thường kèm theo rủi ro, trong khi doanh nghiệp phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ thị trường, nên “doanh nghiệp không thể chờ đợi”. Cũng chia sẻ quan điểm này với ông Phạm Xuân Mai, ông Đỗ Huy Định, Giám đốc Công ty Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP), cho rằng các nhà khoa học Việt Nam hiện nay cần phải có cách làm phù hợp với tình hình phát triển mới của hoạt động KH&CN của thế giới, không nên áp dụng cách làm “cổ điển” kiểu tư duy đề tài. Đây cũng là lý do khiến vẫn còn một khoảng cách giữa kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng vào sản xuất của doanh nghiệp.

Sự rủi ro trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu cũng khiến cả các doanh nghiệp lớn trong nước cũng phải chùn tay khi tính đến việc liên kết với trường/viện. GS. TS Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nêu ví dụ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có hoàn thành nghiên cứu về chất hoạt động bề mặt có khả năng hút dầu từ mỏ đá nhưng Petrovietnam đã ngần ngại không dám đầu tư thêm, dự kiến khoảng 2 tỷ, để có thể áp dụng thử nghiệm hoạt chất này vào hoạt động khai thác dầu khí. “Sản phẩm phải dùng được mới dám mua, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng khai thác dầu”, GS Hồ Sĩ Thoảng cho biết. 

Cần thúc đẩy thị trường chuyển giao công nghệ

Có mặt tại hội thảo, luật sư Lưu Tiến Ngọc, đại diện công ty Luật Vision, một công ty chuyên về tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhắc đến thực trạng: trong số các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có tiến hành chuyển giao công nghệ thì chỉ có 6 đến 7% trong số đó là công nghệ cao và có tới 70 đến 80% là công nghệ lạc hậu. Nhiều đơn vị nhập công nghệ có xu hướng đơn giải hóa thủ tục chuyển giao để “né” thủ tục hành chính.

Nhận định về hiện trạng doanh nghiệp ít quan tâm đến đổi mới công nghệ, bà Lê Thanh Hiếu, trưởng phòng Công nghệ (Sở KH&CN Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường công nghệ và bản thân thị trường công nghệ với việc đánh giá và thẩm định công nghệ vẫn là vấn đề yếu nhất trong chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà cung cấp công nghệ. Hiện nay ở Hà Nội, hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn diễn ra một cách âm thầm mặc dù trong các năm từ 2006, năm Luật Chuyển giao công nghệ bắt đầu được thông qua và có hiệu lực, đến năm 2015, mới chỉ có 78 trường hợp được đăng ký chính thức, trong đó chỉ có 3 trường hợp là chuyển giao công nghệ của Việt Nam còn lại thực chất là chuyển dịch công nghệ từ công ty mẹ sang công ty con.

Cũng liên quan đến sự yếu kém của thị trường công nghệ trong nước hiện nay, ông Nguyễn Văn Thọ, thành viên Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia, nêu ý tưởng thành lập công ty chuyên về việc tìm kiếm công nghệ tiên tiến, phù hợp với trình độ và nhu cầu của doanh nghiệp trong nước, vốn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ có kinh phí đầu tư hạn chế. Để những công ty đó hoạt động hiệu quả và đúng mục đích trên thị trường công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những hỗ trợ, ràng buộc cụ thể.

Luật Chuyển giao công nghệ do Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 29/11/2006, quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước; các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Luật gồm 7 chương, 61 điều, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)