Hội thảo về nhân lực cho chương trình điện hạt nhân
Từ ngày 27 đến 29/8, Cục Năng lượng Nguyên tử đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức hội thảo Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân tại trụ sở Bộ KH&CN, Hà Nội.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, là dịp để các chuyên gia nước ngoài trình bày phương pháp và kinh nghiệm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT), và các tổ chức ở Việt Nam trình bày kế hoạch đào tạo nhân lực trong lĩnh vực NLNT của mình để được nghe góp ý.
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cùng các chuyên gia cao cấp đến từ IAEA, Pháp, Đức, Slovakia, và đại diện các tổ chức đang tham gia đào tạo nhân lực cho ngành NLNT ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, chỉ một năm sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư hai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT đến năm 2020 trị giá 3.000 tỷ dồng. Đồng thời, Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT cũng được thành lập để bảo đảm triển khai Đề án thành công.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, mới đây, Ban chỉ đạo đã giao cho ba cơ quan thực hiện Đề án, trong đó: Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về kế hoạch đào tạo tổng thể; Tập đoàn EVN chịu trách nhiệm về kế hoạch đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về kế hoạch đào tạo cho các chuyên gia thuộc cơ quan quản lý, pháp quy, hỗ trợ kỹ thuật cũng như nghiên cứu triển khai.
Về việc thực hiện Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, đã có 168 sinh viên, và sắp tới thêm 70 sinh viên, được cử sang Nga học chuyên ngành thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, năm 2012 đã có 116 cán bộ, giảng viên, và sắp tới thêm 80 cán bộ, giảng viên, được cử sang Hungary thực tập sáu tuần tại ĐH Kỹ thuật và Kinh tế Budapest và nhà máy điện nguyên tử Paks.
Đối với đào tạo trong nước, sáu trường đại học bao gồm ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt đã được giao nhiệm vụ đào tạo 30 sinh viên mỗi năm, kể từ năm 2014, các chuyên ngành sau: vật lý hạt nhân, ứng dụng bức xạ hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân, công nghệ lò phản ứng hạt nhân, điều khiển và tự động hóa nhà máy điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân.
Riêng Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử sắp tới sẽ trìnhBộ KH&CN một chương trình riêng có tổng chi phí 12 triệu USD về đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực NLNT, bao gồm các khóa đào tạo sau đại học kéo dài chín tháng, các khóa tập huấn cho các chuyên gia và các cán bộ lãnh đạo tiềm năng, gửi sinh viên ra nước ngoài…
Được biết, Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 phải đào tạo 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành, trong đó 200 kỹ sư, 150 thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, để phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân.