Họp báo thường kỳ quý 3 Bộ KH&CN: Giải pháp ngăn chặn nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KHCN) cho rằng, để hạn chế việc nhập khẩu các công nghệ và dây chuyền, thiết bị máy móc lạc hậu, cần có sự hợp tác giữa Bộ KH&CN cùng Bộ KH&ĐT trong việc sửa đổi và triển khai các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư.

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KHCN) tại cuộc họp báo. Ảnh: enternews.vn

Buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ KH&CN do Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì đã diễn ra vào sáng ngày 6/10 tại trụ sở Bộ KH&CN. Một trong những nội dung được báo giới quan tâm là việc ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam và giải pháp mà Bộ KH&CN sẽ thực hiện để làm tốt công tác thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Trả lời thắc mắc về hiện trạng nhiều công nghệ nhập khẩu tại Việt Nam lạc hậu so với thế giới từ 3 đến 4 thế hệ, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, có thể những thắc mắc này dựa trên những số liệu nghiên cứu về một vài ngành nhưng như mía đường, sản xuất xi măng… đều đã được thực hiện từ rất lâu. Ông Nam lấy ví dụ về ngành sản xuất xi măng ở Việt Nam “từ rất lâu không sử dụng loại lò đứng, hiện chúng ta đã chuyển đổi [công nghệ] hết, không còn dự án nào sử dụng công nghệ xi măng lò đứng nữa”, đồng thời nhấn mạnh “hiện nay theo những dự án đầu tư mà chúng tôi được tiếp cận thì rất nhiều dự án sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, bưu chính viễn thông, cơ khí… đều có tiến bộ”.

Ông Nam cũng giải thích thêm, sở dĩ có nhận định công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam cũ và lạc hậu là do có sự nhầm lẫn về khái niệm giữa công nghệ và máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu thiết bị máy móc được coi là nhập khẩu hàng hóa và được áp dụng điều chỉnh theo Luật Thương mại, Bộ KH&CN không được giao quản lý khâu này. “Gần đây khi sửa đổi nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại, chính phủ có giao cho Bộ KH&CN soạn thảo một văn bản quản lý hoạt động nhập khẩu thiết bị máy móc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã xây dựng thông tư 23 (ban hành ngày 30/11/2015) và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Với việc ban hành thông tư này, chúng ta sẽ hạn chế được những doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất theo công nghệ cũ, lạc hậu mà có nguy cơ gây mất an toàn, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường”.

Một trong những giải pháp để Bộ KH&CN thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư vào Việt Nam là việc Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ. Trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Bộ KH&CN đã đưa thêm vào điều luật 11 a về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, trong đó nêu kết luận về công nghệ là một mục bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự đầu tư trong dự án đầu tư. “Hiện nay Bộ KH&CN đang làm việc với Bộ KH&ĐT để hai bộ cùng thống nhất cụ thể điều khoản này, qua đó tiến tới triển khai thực hiện thẩm định công nghệ trong nghị định hướng dẫn cũng như việc sửa đổi những quy định liên quan đến thẩm định công nghệ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu”, ông Nam cho biết.

Tuy nhiên để Luật Chuyển giao công nghệ phát huy hiệu lực khi được áp dụng vào thực tiễn, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, còn phụ thuộc rất nhiều vào các quy định, văn bản pháp luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… “Trong tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, chúng tôi cũng đề nghị sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo được việc kiểm soát công nghệ trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như trong quá trình triển khai các dự án đầu tư”. Một vướng mắc khác khi thực hiện đánh giá tác động môi trường của công nghệ từ các dự án đầu tư là hiện nay không có nội dung về công nghệ trong hồ sơ dự án, vì vậy theo giải thích của ông Nam “chúng tôi phải phối hợp với Bộ KH&ĐT để khi xây dựng các nghị định văn bản hướng dẫn liên quan đến trình tự thủ tục, quy trình thẩm định các dự án đầu tư thì phải bổ sung cái nội dung về giải trình công nghệ trong hồ sơ dự án”.

 

Tác giả