Khai mạc hội nghị KH&CN hạt nhân lần thứ 11

Ngày 5/8/2015 tại Đà Nẵng đã khai mạc Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp cùng Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của các nhà quản lý hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có những chuyên gia đến từ các nước có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến như Pháp, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Thụy Điển, v.v.

Mục đích của hội nghị lần này chủ yếu nhằm trao đổi, công bố các kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015, đồng thời đề ra các mục tiêu, phương hướng, nội dung nghiên cứu – triển khai trong giai đoạn 2015-2017. Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhà khoa học quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Nội dung của hội nghị trải rộng trên các lĩnh vực điện hạt nhân, lò phản ứng, đào tạo nguồn nhân lực; vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ, quan trắc môi trường; hóa học phóng xạ và hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ vật liệu hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ; ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, và các lĩnh vực khác.

Trong sáng ngày 5/8, phiên toàn thể mở màn của hội nghị đã được bắt đầu với một số bài trình bày đáng chú ý như báo cáo về tính thực tiễn và tính liên ngành của nghiên cứu bức xạ ra môi trường của GS. Phạm Duy Hiển, tham luận của GS. Pierre Darriulat về tính cần thiết của nghiên cứu vật lý hạt nhân, tham luận của GS. Peter Jozsef Levai về các thách thức gần đây trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, tham luận của GS. Bal Raj Sehgal về tác động của thảm họa Fukushima đối với an toàn lò phản ứng LWR cùng các rủi ro năng lượng hạt nhân – phản ứng của Thụy Điển sau Fukushima,…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh  nhận định rằng tiềm lực KH&CN Việt Nam trong thời gian qua đã được nâng lên một bước, tuy nhiên ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thứ trưởng bày tỏ hi vọng kết quả hội nghị sẽ góp phần định hướng xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hạt nhân trong giai đoạn tới, trong bối cảnh Bộ KH&CN đang chuẩn bị tiến hành tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2006-2015 của Chiến lược Ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam, và xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược cho giai đoạn 2016-2020.

GS. Pierre Darriulat nhấn mạnh về sự tụt hậu trong công tác đào tạo nhân lực trong ngành năng lượng nguyên tử

Đánh giá về những thách thức cơ bản mà ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam đang đối diện, GS. Pierre Darriulat trong bài trình bày của mình nhấn mạnh về sự tụt hậu trong công tác đào tạo nhân lực trong ngành năng lượng nguyên tử, đặc biệt là tình trạng thiếu đội ngũ giảng viên đủ năng lực giảng dạy trong các trường đại học. GS. Darriulat khuyến nghị Việt Nam cần sớm đưa ra một chương trình đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử mang tính thống nhất ở tầm quốc gia, trong đó cần “chú trọng đầu tư cho chất xám” thay vì chỉ chú trọng trang thiết bị; tập hợp đầy đủ các nguồn lực cần thiết từ nước ngoài, và nguồn lực hữu ích sẵn có trong nước – ví dụ đội ngũ các chuyên gia trong nước với kinh nghiệm 30 năm vận hành thành công lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt.

Trong những ngày tới, hội nghị sẽ đi sâu vào các báo cáo chuyên sâu thuộc các tiểu ban chuyên môn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)